Đây là một trong các công trình trọng điểm của TP, cần phải hoàn thành trước ngày 30/6/2020.
Cụ thể, UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan đến dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng giải quyết khâu quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng của dự án. Theo đó, UBND TPHCM đánh giá công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đã được các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện và đến nay đã cơ bản hoàn tất các thủ tục.
UBND huyện Nhà Bè cũng được đề nghị phối hợp với Công ty Trung Nam BT 1547 (đơn vị chủ đầu tư dự án) rà soát, đảm bảo đủ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong thời gian thực hiện thủ tục gia hạn tái cấp vốn cho dự án. Sở Xây dựng được yêu cầu phối hợp với đơn vị liên quan xác định về nhu cầu chuyển nhượng quỹ nền tái định cư, phương án bố trí tái định cư của dự án.
Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với mục tiêu nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.
Đồng thời, công trình cũng giúp TPHCM chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Về tiến độ thực hiện dự án chống ngập do triều với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, cho biết hiện nay khối lượng thi công dự án đã đạt hơn 75%, nhà đầu tư và đơn vị thi công đang tích cực đẩy nhanh tiến độ.
Theo ông Dũng, mặt bằng thi công còn hai trong số sáu quận vướng mắc. Hai địa phương vướng mặt bằng là huyện Bình Chánh và Nhà Bè, còn hơn 10 hộ dân chưa di dời. Các địa phương cũng đang vận động dân. "Theo cam kết của nhà đầu tư, nếu mặt bằng giao sớm thì công trình sẽ hoàn thiện vào giữa tháng 6-2020. Riêng việc vận hành có thể sớm hơn, vào khoảng đầu năm 2020", ông Dũng nói.
Về việc vướng mặt bằng, UBND TPHCM cho biết thêm số hộ dân còn ở lại là để chờ chính sách, chứ không phải không chịu đi. Cái khó là bà con ở trên kênh, rạch, chính sách bồi thường không nhiều, chủ yếu trông vào tiền hỗ trợ và nhiều trường hợp không đủ điều kiện tái định cư. TPHCM đã chỉ đạo phải tổ chức tái định cư cho dân dù họ không đủ tiêu chuẩn. Phải có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho dân nhằm tạo điều kiện cho bà con có chỗ ở mới.