Qua khảo sát tại nhiều khu chợ, PV Dân Việt ghi nhận tình trạng buôn bán khó khăn của không ít tiểu thương bán lẻ tại các khu chợ truyền thống.
Từ thời điểm đầu tháng 3, tại khu vực xung quanh các khu chợ trung tâm như chợ Bà Chiểu, chợ An Đông, chợ Hoàng Hoa Thám… đã xuất hiện nhiều thông tin thông báo sang nhượng hoặc cho thuê ki ốt.
Chị Thanh Trúc, tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ An Đông (Q.5), chia sẻ: “Từ khi có thông tin về dịch Covid-19, lượng khách đến chợ giảm dần. Đến nay, số người dương tính với dịch bệnh ngày càng tăng nên khách hàng càng hạn chế đến chỗ đông người. Chúng tôi hàng ngày đến sạp chỉ bấm điện thoại, nói chuyện với nhau chứ có bóng khách nào đâu!”
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến tình hình kinh doanh tại chợ An Đông (Q.5) trở nên ế ẩm. Ảnh: Q.N
Theo chị Trúc, lượng khách đến chợ tính đến thời điểm này chỉ còn 2-5% so với trước khi có dịch. Tình hình dịch bệnh khiến người dân không đi du lịch nên cũng không có nhu cầu mua sắm đồ đạc.
Tại chợ Bến Thành nổi tiếng là nơi thu hút đông khách du lịch những ngày này cũng vắng vẻ trông thấy. Nhiều gian hàng đã đóng cửa, treo thông báo sang nhượng ki ốt.
Mới đây, lãnh đạo Chi cục Thuế Q.1 cho biết đã nhận được đơn kiến nghị giảm thuế của tiểu thương ba chợ lớn trên địa bàn là Bến Thành, Tân Định và Nguyễn Thái Bình. Trước đó, tập thể tiểu thương chợ An Đông cũng làm đơn gửi các cấp lãnh đạo Q.5 xin được giảm 50% thuế hằng tháng 3-6 tháng (tính từ tháng 2-2020) cho toàn bộ tiểu thương ở chợ. Lý do là tình hình kinh doanh hiện nay quá ế ẩm.
Tiểu thương chợ Bến Thành, chợ Tân Định (Q.1) và nhiều chợ khác đã làm đơn xin giảm thuế, nhiều ki ốt đã đóng cửa. Ảnh: Q.N
Cô Hường, một tiểu thương kinh doanh vải tại chợ Tân Định, Q.1, cho biết đã ký đơn cùng các tiểu thương trong chợ để gửi đến cơ quan thuế. Theo đó, các tiểu thương mong muốn giảm thuế trong vòng 6 tháng, kể từ tháng 2.
"Kinh doanh không ai cũng muốn bán được hàng, có doanh thu để nộp thuế cho Nhà nước, nhưng tình hình hiện nay quá ế ẩm vì ai cũng sợ ra nơi đông người. Có khi ngồi cả ngày chỉ bán được 200.000 - 300.000 đồng, không đủ sở hụi", cô Hường nói.
Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), những tiểu thương kinh doanh quần áo thời trang chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lượng khách sụt giảm. Nhiều tiểu thương đã làm đơn đề xuất miễn giảm thuế trong bối cảnh dịch Covid-19.
Đại diện BQL chợ Phạm Văn Hai cho biết: “Không chỉ riêng chợ chúng tôi mà các tiểu thương ở chợ truyền thống đều gặp khó khăn, nhất là trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày càng có thêm nhiều ca nhiễm mới trong thành phố”.
Hiện các tiểu thương trong chợ Phạm Văn Hai đã có đơn kiến nghị lên UBND quận Tân Bình để xin miễn giảm thuế trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến kinh doanh bán lẻ.
Theo đúng lộ trình, đúng ra chợ Phạm Văn Hai đã áp dụng mức biểu phí mới cho tiểu thương từ đầu năm nay. Tuy nhiên, trong tình trạng ế ẩm hiện nay, BQL chợ đã quyết định giữ nguyên biểu phí cũ. Đồng thời, BQL chợ còn hỗ trợ làm bảng hiệu mới miễn phí cho tất cả tiểu thương trong chợ để tăng cảm quan đẹp mắt, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
“Bên cạnh đó, BQL chợ đã tận dụng mạng xã hội Facebook và Zalo để tạo ra các trang, nhóm bán hàng trực tuyến cho tiểu thương. Dù dự án đang ở bước đầu nhưng sẽ là cách để bà con, nhất là người bán hàng trung niên có thêm một kênh tiếp cận khách hàng và thay đổi tình hình kinh doanh”, vị đại diện cho hay.