Vừa qua, trong báo cáo tổng kết thị trường BĐS năm 2020, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) đã dẫn số liệu về công tác cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trong năm 2020 trên địa bàn với những kết quả khá tích cực.
Cụ thể, trong năm 2020, toàn thành phố đã hoàn thành di dời toàn bộ 6/15 chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm (cấp D), với 333 hộ; di dời dở dang 5 chung cư với 206/560 hộ; đã hoàn thành tháo dỡ toàn bộ 4 nhà chung cư với quy mô 14.470 m2 sàn và đã lựa chọn được chủ đầu tư cho 11 dự án xây dựng lại nhà chung cư, chỉ còn 4 dự án xây dựng lại nhà chung cư chưa lựa chọn được chủ đầu tư.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA bên cạnh những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận thì công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn vẫn còn nhiều vướng mắc và khối lượng công việc phải làm rất lớn và cấp bách, trước hết là đối với 474 khu nhà chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, trong đó có 15 nhà chung cư cấp D.
Về nguyên nhân của những tồn tại trong công tác cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM, theo ông Lê Hoàng Châu nổi cộm lên 2 vấn đề là quy định tỷ lệ đồng thuận 100% và chưa có phương án chính sách xây dựng - chuyển giao (BT) thích hợp để tận dụng nguồn lực xã hội hóa.
Người dân ở chung cư Vĩnh Hội (phường 6, quận 4, TP HCM) mong chờ ngày được tái định cư trong các căn hộ tiện nghi như những chung cư gần đó
Đối với việc nghiên cứu hình thức BT phù hợp theo ông Lê Hoàng Châu là rất cần thiết để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các dự án nhà ở xã hội; các dự án nhà ở tái định cư; các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các dự án cơ sở hạ tầng, dịch vụ, vừa có lợi cho Nhà nước, cho nhà đầu tư và cho lợi ích cộng đồng.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay từ sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020 có hiệu lực thì cùng đồng nghĩa với việc đã bãi bỏ hình thức Hợp đồng BT đối với các dự án, trong đó có các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở tái định cư, các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, các dự án xây dựng công trình hạ tầng, dịch vụ.
Theo ông Châu, với sự bức thiết đó, cần xét đến việc nên hay không vì có một số bất cập, "lỗ hổng" mà phải bãi bỏ hẳn loại hình dự án BT, vì nguyên nhân chủ yếu là chưa có đầy đủ các quy định pháp luật đồng bộ và hiệu quả để điều chỉnh.
Từ những phân tích đó, Chủ tịch HOREA cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ có thể xem xét, chỉ nên dừng loại hình dự án BT từ nay đến khoảng năm 2022 để hoàn thiện khung pháp lý. Sau khi đủ điều kiện, từ khoảng năm 2023, việc tái khởi động hình thức BT trong việc cải tạo các chung cư cũ xuống cấp sẽ là kênh hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Bên cạnh việc hoàn thiện các chính sách liên quan, cũng theo ông Lê Hoàng Châu, việc kêu gọi các doanh nghiệp bất động sản "xắn tay" vào công tác cải tạo chung cư cũ là rất cần thiết.