UBND quận 9 được giao thực hiện công tác duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường Hoàng Hữu Nam, đường số 400 và đường số 13; hỗ trợ Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn giải quyết dứt điểm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư phục vụ dự án bến xe miền Đông mới; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực bến xe này.
Sở Giao thông vận tải được giao hỗ trợ Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn thực hiện phương án tổ chức giao thông tạm thời cho người dân khu vực giáp ranh bến xe và bố trí hệ thống các biển báo giao thông phù hợp đối với các tuyến đường nội bộ D11 và E3 trong bến xe; thực hiện phương án phân luồng, tổ chức giao thông khu vực bên ngoài bến xe, tránh gây ùn tắc giao thông;
Bố trí hệ thống biển báo hướng dẫn lưu thông từ xa, kết hợp thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành hệ thống các công trình liên quan (đường A8, cầu vượt hai đầu bến xe, cầu bộ hành, hầm chui và đường song hành phía trước lối ra vào bến xe…), hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông ra vào bến xe; nghiên cứu phương án tổ chức giao thông đồng bộ, liên hoàn giữa các hình thức vận chuyển kết nối với bến xe miền Đông mới (metro, xe buýt, các loại hình trung chuyển khác…).
Trước mắt, Sở Giao thông vận tải được phép tổ chức lựa chọn, đặt hàng đơn vị vận tải cung ứng dịch vụ tuyến xe buýt kết nối giữa bến xe miền Đông hiện hữu và bến xe miền Đông mới đến ngày 31/12/2019.
Dự án Bến xe Miền Đông mới chính thức khởi công ngày 26/4/2017, là dự án bến xe hiện đại nhất cả nước, với đầy đủ tiện ích và được kết nối đồng bộ với các tuyến metro của thành phố. Tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, giai đoạn 1 của dự án được đầu tư khoảng 740 tỷ đồng, do Tổng công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn – TNHH MTV (SAMCO) làm chủ đầu tư.
Đây là một quần thể phức hợp bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích với tổng diện tích trên 16 ha, rộng gần gấp ba so với Bến xe Miền Đông hiện hữu, trên xa lộ Hà Nội, thuộc địa phận phường Long Bình, Quận 9, Tp.HCM và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương; trong đó, phần diện tích thuộc TPHCM là 12,3 ha.
Theo quy hoạch chi tiết, Bến xe Miền Đông mới gồm bốn khu A, B, C, D. Khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng, có diện tích 122.480m2 (chiếm 76,37%,); khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); và khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng).
SAMCO cho biết, giai đoạn 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay gồm các hạng mục nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu và trạm xử lý nước thải để từng bước di dời Bến xe Miền Đông hiện hữu. Ngoài chức năng chính là cung cấp dịch vụ vận tải, Bến xe Miền Đông mới còn có chức năng là trung tâm thương mại, khu vui chơi cho trẻ em, khu giải trí, rạp chiếu phim và nhà hàng.
Dự án nhằm phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa từ Sài Gòn - TPHCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc. Theo kế hoạch, Bến xe Miền Đông mới sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến, ngày cao điểm lễ/Tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến.