Sáng 4/9, “Diễn đàn kết nối du lịch TPHCM – ĐBSCL năm 2019” đã chính thức khai mạc tại TPHCM với sự tham dự của lãnh đạo UBND TPHCM và 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL.
Hơn 200 khách mời đến từ các cơ quan ngoại giao; các hiệp hội nước ngoài; các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế; các hiệp hội doanh nghiệp trong nước; các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham dự.
Tại Hội nghị, các tỉnh, thành phố giới thiệu đến các nhà đầu tư về những tiềm năng phát triển; mời gọi đầu tư vào các dự án; kết nối các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tạo nên những cơ hội đầu tư hấp dẫn tại các địa phương.
Có 179 dự án hạ tầng thuộc các lĩnh vực văn hóa – thể thao - du lịch – giải trí được giới thiệu và mời gọi đầu tư tại hội nghị. Trong đó: TPHCM chiếm nhiều nhất với 51 dự án, kế đến là An Giang có 24 dự án. Bạc Liêu 20 dự án. Kiên Giang 15 dự án. Sóc Trăng 12 dự án. Đồng Tháp 11 dự án. TP Cần Thơ và Bến Tre: 8 dự án. Tiền Giang, Cà Mau: 7 dự án. Trà Vinh, Cà Mau: 6 dự án...
Lãnh đạo Sở Du lịch các địa phương giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết du lịch là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ ưu tiên phát triển.
Năm 2018, TPHCM đón 36,5 triệu lượt du khách, trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 7,5 triệu lượt, tăng 17,38%, khách du lịch nội địa đạt 29 triệu lượt, tăng 16,07% so với năm 2017; doanh thu du lịch (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 21,55% so với cùng kỳ, đạt 102% kế hoạch năm 2018.
Năm 2019, ngành du lịch TPHCM đặt mục tiêu sẽ đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 14% so với năm 2018; khách du lịch nội địa đến thành phố phấn đấu đạt 32,77 triệu lượt, tăng khoảng 13% so với năm 2018. Trong 7 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến thành phố đạt 4,8 triệu lượt người, tăng 11,45% so với cùng kỳ năm 2018.
Du khách nước ngoài tham quan khu vực trung tâm TPHCM
Hiện nay, TPHCM đang mời gọi đầu tư 51 dự án thuộc các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch, giải trí với tổng nhu cầu vốn gần 40.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1.810 triệu USD. Nhóm lĩnh vực văn hoá - thể thao có 37 dự án với tổng nhu cầu vốn 37.223 tỷ đồng, tương đương hơn 1.690 triệu USD; nhóm lĩnh vực du lịch – giải trí có 14 dự án với tổng nhu cầu vốn 2.710 tỷ đồng, tương đương hơn 123 triệu USD.
Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL (6 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh) mời gọi đầu tư 36 dự án.
Trong khi đó Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL (7 tỉnh, thành gồm TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) mời gọi đầu tư 92 dự án.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, các địa phương liên kết để cùng phát triển là xu hướng tất yếu, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch là ngành công nghiệp không khói và không có giới hạn về mặt địa lý.
Du lịch sông nước là thế mạnh của các tỉnh ĐBSCL
Lợi thế liên kết giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL có tính bổ trợ cho nhau. Sản phẩm đặc trưng của TPHCM là thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí. Trong khi đó thế mạnh của các tỉnh, thành ĐBSCL là du lịch sinh thái, miệt vườn, song nước… Nếu khai thác đúng lợi thế của các điểm đến thì sự liên kết về du lịch của 14 địa phương sẽ phát huy lợi thế của nhau.
Năm 2018, du lịch của TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL tăng trưởng mạnh mẽ với việc đón hơn 10,9 triệu du khách quốc tế và 66,3 triệu du khách nội địa. ĐBSCL thu hút hơn 40,7 triệu du khách, trong đó có 37,3 triệu du khách nội địa và 3,4 triệu du khách quốc tế. tổng doanh thu du lịch toàn vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2017.
“Toàn vùng ĐBSCL có 42 điểm đến tiêu biểu và có khoảng 53.000 khách sạn. Lực lượng lao động lĩnh vực du lịch trong vùng có hơn 70.000 người. Có thể nói đây là những con số hết sức ấn tượng”, ông Vũ đánh giá.