Đây là một trong những vấn đề được lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM và nêu tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 24/9.
Trình bày khó khăn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề đầu tư công, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, cho biết, Tp.HCM đã bố trí vốn đầu tư công 135.000 tỷ đồng và thông qua kế hoạch huy động thêm 171.000 tỷ đồng, tuy nhiên không đủ. Một trong những kênh huy động vốn là phương thức đối tác công tư - PPP.
Bài toán khó nhất với địa phương trong các dự án đổi đất lấy hạ tầng - BT chính là làm thế nào để thực hiện thanh toán đất cho nhà đầu tư, cụ thể như hoạt động chuyển nhượng đất, đấu giá đất. Vấn đề này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó địa phương không áp dụng được, làm ảnh hưởng đến các dự án thực hiện theo phương thức này.
"Địa phương muốn giao sớm đất cho nhà đầu tư ở dự án đổi đất lấy hạ tầng theo phương thức BT. Tuy nhiên có nhiều vướng khó khăn về giải ngân vốn đầu tư công của Nhà nước tại các dự án này. Trong khi đó, Tp.HCM đã là chiếc áo quá chật, cần có cơ chế để phát triển các vùng ven hiện đại và đúng quy hoạch hơn", ông Anh nói.
Do đó, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM kiến nghị Bộ cần có kịch bản, mô hình phát triển cho địa phương khi thực hiện Luật Quy hoạch. Cụ thể, Tp.HCM cần có xu hướng và có điều tra cụ thể xu hướng phát triển quy hoạch của thành phố trong tương lai. Thành phố rất mong nhận được các dữ liệu, chia sẻ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Ngọc Anh cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủng hộ các dự án đầu tư công, dự án nhóm A, các đường sắt số 1 và số 2... Bộ này sớm hoàn thành thủ tục để báo cáo các dự án trên lên Bộ Chính trị thông qua.
Cũng liên quan đến việc thanh toán bằng đất đai với các dự án BT, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm cách tháo gỡ. Hiện, việc thanh toán bằng đất cho các dự án BT đang bị dừng lại. Ông Toản cho biết Bộ Tài chính đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT.
"Dừng ngày nào thì các chủ đầu tư tính lãi ngày đó. Trong khi đó chúng tôi chuẩn bị đất đai rồi, nếu giao sớm ngang giá thì giảm lãi suất, tăng hiệu quả đầu tư", ông Toản nói.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị UBND thành phố Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Chỉ đạo này được đưa ra sau khi UBND thành phố Hà Nội quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án về hạ tầng giao thông theo hình thức BT, thanh toán bằng quỹ đất cho các nhà đầu tư gây nhiều xôn xao trong dư luận.
Cùng với Hà Nội, Bộ Tài chính cũng đánh công văn gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương yêu cầu, kể từ ngày 1/1/2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành.
Vào tháng 10/2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT. Đến nay, văn bản này chưa được ban hành và trong thời gian đó, việc đổi đất lấy hạ tầng sẽ dừng thực hiện.