Khởi công xây dựng nhiều công trình giao thông
Sở GTVT TP.HCM cho biết, đơn vị vừa có văn bản thông qua phương án phân luồng giao thông phục vụ thi công dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2).
Cụ thể, đường Đồng Văn Cống đoạn 2,8 km sẽ được mở rộng mặt đường thêm 7m, tăng thêm 2 làn xe lưu thông. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành sau 9 tháng thi công. Khi hoàn thành đường Đồng Văn Cống sẽ cho 10 làn ô tô và 2 làn xe máy lưu thông.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cũng đang chuẩn bị thi công xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 trên đường Đồng Văn Cống. Theo thiết kế, cầu dài 124m, rộng 6 làn xe. Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thủy 3 sẽ cùng với cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2 có tổng bề rộng 60m cho 10 làn ô tô và 2 làn xe máy lưu thông.
Mở rộng đường Đồng Văn Cống và xây dựng cầu Mỹ Thuỷ 3 sẽ giúp xoá "điểm đen" về kẹt xe và tai nạn giao thông khu vực Cát Lái. Ảnh: V.D
Công trình có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Đây là 2 công trình trọng điểm được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ giúp xóa “điểm đen” về kẹt xe và tai nạn giao thông khu vực Cát Lái.
Sở GTVT TP.HCM cũng sẽ mở rộng các tuyến đường cửa ngõ ở khu cảng Cát Lái (quận 2) và cảng Phú Hữu (quận 9), gồm các tuyến Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định và Nguyễn Duy Trinh.
Tại quận 9, Sở thực hiện một số giải pháp như mở nhánh rẽ từ đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến đường Đỗ Xuân Hợp nhằm giảm lượng xe dồn về tuyến này. Ngoài ra, mở thêm 1 làn đường dành cho xe rẽ trái từ tuyến Mai Chí Thọ về đường dẫn cao tốc nêu trên để tăng khả năng thoát xe qua nút giao…
Kết nối giao thông để thu hút đầu tư
Được biết, TP.HCM đang xây dựng đề án thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc thành lập Thành phố phía Đông là cần thiết, nên làm. Nhìn từ kinh nghiệm ở Trung Quốc, Thành phố phía Đông ở Thượng Hải từ một miếng đất trống, sau 20 năm đã trở thành thành phố phát triển không thua gì Hồng Kông.
Theo ông Sơn, TP.HCM muốn làm được như Thượng Hải trước tiên phải có nghiên cứu quy hoạch rõ ràng, sau đó cần có cơ chế đặc thù, đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa thu hút vốn trong và ngoài nước.
Chuyên gia cho rằng Khu đô thị mới Thủ Thiêm phải gắn kết giao thông từ Đông sang Tây thành một khối.
Chẳng hạn, Khu đô thị mới Thủ Thiêm không thể đứng một mình, mà phải gắn kết giao thông từ Đông sang Tây thành một khối. Còn cụm đô thị đại học lấy khu Đại học Quốc gia làm trung tâm, thậm chí kết nối tới cả Đại học Bình Dương. Khu này phải quy hoạch trở thành quy mô khu đại học lớn nhất nước, mang tầm cỡ quốc tế. Cụm thứ 3 rất quan trọng về mặt kinh tế là logistics…
Về kết nối giao thông, KTS. Sơn cho rằng, đây sẽ là bài toán không dễ dàng. TP. HCM có sẵn các công trình giao thông trọng điểm như tuyến xa lộ Hà Nội, đại lộ Đông Tây, các tuyến metro… nhưng hiện nay chưa có đồ án quy hoạch nào xử lý được. Hệ thống giao thông đang cắt quy hoạch này ra làm nhiều mảnh. Khi 3 quận hợp lại thành một khối, trung tâm của thành phố đặt ở đâu, làm sao cho các tuyến huyết mạch mới và cũ được hài hòa, không xung đột với vành đai phía Đông... là những vấn đề không đơn giản.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu không, giao thông sẽ trở thành điểm nghẽn của phía Đông, rất khó thu hút các nhà đầu tư sau này.
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, việc kết nối giao thông cơ bản vẫn như quy hoạch Thủ tướng chính phủ đã duyệt tại Quyết định 568 điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết thành phố đang lập đề án điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó quy hoạch cho phù hợp với tính chất của đô thị mới sáng tạo, khoa học. Có điều chỉnh về giao thông tĩnh và giao thông công cộng để phát triển tốt hơn.