Đồng thời, Công an TPHCM được giao tổ chức nắm tình hình về việc cán bộ công chức bao che, tiếp tay với các đầu nậu xây dựng nhà ở không phép trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh.
Nhằm ngăn chặn việc đầu cơ trục lợi, xây dựng không phép, phá vỡ quy hoạch, gây mất an ninh trật tự tại huyện Bình Chánh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao nghiên cứu các quy định hiện hành có liên quan và nhu cầu thực tế sử dụng đất tại địa phương để tham mưu chuyển đổi chức năng quy hoạch sử dụng đất, lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để cấp phép xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tạo dựng nơi ở ổn định, hạn chế việc xây dựng sai phép, không phép.
Ngoài ra, UBND TPHCM cũng yêu cầu UBND các quận - huyện nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào giám sát, quản lý trật tự xây dựng của quận 12 và phần mềm trên điện thoại di động về phản ánh quản lý trật tự xây dựng của quận Bình Thạnh, nhằm sớm phát hiện và xử lý nhanh các vi phạm về vệ sinh môi trường, lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng không phép, góp phần tăng cường công tác quản lý, giám sát vi phạm cũng như giám sát việc thực thi công vụ của các Đội Quản lý trật tự đô thị quận-huyện và UBND các phường-xã.
Theo UBNF huyện Bình Chánh, hiện nay có tình trạng một số trường hợp đầu nậu mời gọi dân về mua đất nông nghiệp bằng giấy tay, có diện tích nhỏ, xây dựng đồng sở hữu hoặc xây nhà tạm.
Cũng có những trường hợp dân ở cố cựu và sử dụng đất nông nghiệp tự chuyển mục đích trước năm 1980 hoặc trước ngày 1-7-2004 thì huyện giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hết. Trung bình một năm huyện giải quyết hồ sơ hành chính về đất đai, xây dựng là trên 1.000 hồ sơ, chiếm khoảng 25% lượng hồ sơ hành chính của huyện.
Nguyên nhân nữa là do nhu cầu nhà ở của người dân rất cao, trong khi quỹ đất không đủ để đáp ứng. Mua đất tại nơi có hạ tầng hoàn thiện và các tiện ích thì giá cao nên người có thu nhập thấp thường tìm tới các xã này để mua và xây trái phép. Các đầu nậu cũng tổ chức bán lén lút, quảng cáo cho người mua xây dựng không phép.
Tuy nhiên, cán bộ phụ trách ấp, cán bộ hợp đồng chưa kịp thời báo cáo cho cán bộ địa chính lập biên bản. Về việc này, tới đây huyện sẽ cương quyết lập hồ sơ xử lý ngay từ đầu.
Thời gian qua, UBND huyện cũng đã xác định có một số địa bàn nóng như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng, Tân Kiên xuất hiện tình trạng xây dựng nhà ở xai phép. Đây là những xã có tốc độ đô thị hóa rất nhanh nên huyện đã giao nhiệm vụ cho các xã đôn đốc, kiểm tra thường xuyên.
Tại xã Vĩnh Lộc A, các công trình vi phạm thuộc địa bàn ba ấp 5A, 4A, 4. Theo đó, có 13 công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, chín móng bê tông cốt thép và một công trình hiện trạng là 18 khung kèo thép trên diện tích gần 200 m2. Hiện nay xã Vĩnh Lộc A đã cưỡng chế chín móng, các công trình còn lại đang phải lập phương án tháo dỡ và niêm yết trong thời gian 10 ngày (do chủ không xuất hiện).
Tại xã Vĩnh Lộc B, các trường hợp Pháp Luật TP.HCM phản ánh thuộc các ấp 3, 5, 6, 6A. Hiện xã đã cưỡng chế hoặc lập biên bản và ban hành các quyết định cưỡng chế. Việc xử lý cưỡng chế các công trình vi phạm sẽ được hoàn tất trong tháng 3.