Trước mắt, đến ngày 15.1.2018, tất cả các nhóm đề án phải chuẩn bị xong đề cương tính toán cụ thể và công bố một số nỗ lực như về tổ liên ngành đầu tư, quy trình BT…
Cú hích mang tính lịch sử
Để được Quốc hội thông qua NQ 54 thì TPHCM đã có quá trình chuẩn bị 12 năm, từ năm 2005. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, NQ 54 của Quốc hội đáp ứng hết sức kịp thời đặc điểm phát triển của thành phố trong thời kỳ hiện nay, góp phần tạo động lực phát triển TPHCM, đồng thời cho phép thành phố quyền chủ động và trách nhiệm cao hơn để quyết định nhanh hơn, kịp thời hơn sự phát triển thành phố.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý, từ 15.1.2018, NQ 54 của Quốc hội có hiệu lực, do đó đề nghị UBND TPHCM trình một số đề xuất liên quan đến thuế, phí để HĐND TPHCM thông qua và giữa năm 2018 áp dụng. Để thực hiện việc này thì phải gắn với quá trình lấy ý kiến của chuyên gia, nhân dân.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM còn cho rằng với dân số cao, tỉ lệ hồ sơ phát sinh lớn, trong thời gian tới thành phố phải thực hiện phân cấp mạnh hơn để các sở, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện chia sẻ công việc với lãnh đạo thành phố.
“Đây là những việc Quốc hội cho làm nên thành phố phải chuẩn bị kỹ. Nếu trong 3 năm có điều kiện tăng thu các loại thuế, phí mà năm đầu tiên thành phố không chuẩn bị tốt, không tăng gì thì không có hiệu quả” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Để cơ chế đặc thù sớm được triển khai, tại kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa IX, HĐND thành phố diễn ra vào đầu tháng 12.2017, HĐND TPHCM đã ra NQ triển khai thực hiện NQ Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo NQ này, HĐND thành phố giao UBND thành phố khẩn trương nghiên cứu các đề án cụ thể, hoàn tất các quy trình, thủ tục theo quy định để trình HĐND thành phố xem xét, quyết định, chậm nhất tại kỳ họp giữa năm 2018.
Để thực hiện NQ 54 bảo đảm thành công từ năm đầu tiên, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đề nghị chính quyền thành phố phải có ý chí, nghị lực để vươn lên; có tầm nhìn và giải pháp đủ mạnh để tạo đột phá.
“TPHCM thí điểm thành công cơ chế đặc thù, không chỉ tạo động lực cho sự phát triển của thành phố mà còn đóng góp lớn hơn, nhiều hơn cho cả nước về nguồn lực, kinh nghiệm thực tiễn, cơ chế chính sách” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định. Theo Chủ tịch HĐND thành phố, đây cũng là tiền đề để thành phố tiếp tục đề xuất phân quyền, phân cấp mạnh hơn, có cơ chế thông thoáng hơn, đáp ứng cao hơn cho sự phát triển của thành phố.
Về những nhiệm vụ cấp bách trước mắt, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị UBND thành phố tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tạo niềm tin để huy động nguồn lực còn dồi dào trong nhân dân. Tích cực phòng chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả hơn, triệt để tiết kiệm chi ngân sách... Song song đó, khắc phục những hạn chế, yếu kém; tăng cường kỷ cương, kỷ luật của bộ máy hành chính nhà nước từ thành phố đến cơ sở.
Khẩn trương nhưng phải kỹ lưỡng
TPHCM đã đưa ra dự thảo kế hoạch triển khai cơ chế đặc thù với 19 đầu việc, trong đó 10 đầu việc tự thân sở, ngành làm và 9 đầu việc phối hợp giữa các ngành, các cơ quan và viện, trường nghiên cứu. Các đầu việc này phải bảo đảm tiến độ báo cáo UBND, Thành ủy và HĐND trước tháng 6.2018.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, có những đầu việc phải đặt trong mối quan hệ tổng thể mới có hiệu quả. “Có những nội dung hiện nay thành phố đang nỗ lực để làm sao tạo cơ chế thúc đẩy thành phố phát triển như tính toán quy trình đầu tư BT theo hướng công khai, minh bạch, hoàn thiện môi trường đầu tư của thành phố.
Trước 15.1.2018, thành phố sẽ công bố tổ liên ngành về đầu tư, UBND thành phố đang trình xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy các chính sách thu hồi đất đai để có hiệu quả hơn trong thời gian tới” - ông Nguyễn Thành Phong nói. Chủ tịch UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu từng sở, ngành và yêu cầu đến ngày 15.1.2018, tất cả các nhóm phải chuẩn bị xong đề cương.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các bước triển khai đề án của cơ chế đặc thù phải hướng đến các vấn đề “nóng” của TPHCM mới đem lại thành công. Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ thành phố - một số cơ chế phải thực hiện ngay khi NQ của Quốc hội có hiệu lực để cho thấy sự quyết tâm của thành phố. Trong đó, cơ chế ủy quyền nên thực hiện ngay để đáp ứng sự mong đợi của người dân.
Ông Ngân cho rằng thách thức của thành phố hiện nay là kẹt xe và ngập nước thì các hướng triển khai đề án của cơ chế đặc thù phải hướng đến việc giải quyết những vấn đề này. “Việc triển khai đề án phải giải quyết bằng được vấn đề cơ sở hạ tầng. Bởi vì khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua với mong đợi rằng khi có NQ này thành phố sẽ giải quyết được thách thức, giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường” - ông Ngân nói.
Tương tự, ông Trần Du Lịch - nguyên Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố - cho rằng, NQ 54 giúp thành phố nâng tầm, tính chủ động trong phát triển. Tuy nhiên, thách thức và áp lực không nhỏ: “Chúng ta “kêu nhiều quá”, giờ được rồi mà không làm được thì sẽ rất nhiều chuyện. Đây thực sự là vấn đề hóc búa chứ không đơn giản”.
Ông Trần Du Lịch cũng đề nghị thành phố những cái gì “ngon ăn nhất”, dễ nhất và đã chuẩn bị kỹ thì thực thi ngay vào ngày 15.1.2018 để tạo đà cho sự thành công. Trong đó, việc khai thác giá trị từ đất có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng của TP; nếu không khai thác được giá trị từ đất để phát triển cơ sở hạ tầng thì việc giải quyết các thách thức hiện nay như kẹt xe, ngập lụt sẽ rất khó.
Liên quan đến việc áp dụng cơ chế đặc thù vào việc giảm ùn tắc giao thông, ông Bùi Xuân Cường - GĐ Sở GTVT TPHCM - cho biết, nhu cầu vốn thực tế cho lĩnh vực giao thông giai đoạn 2016-2020 hơn 500.000 tỉ đồng, sau khi thành phố tính toán thì số tiền có thể cân đối được là 122.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế vốn cho ngành giao thông từ năm 2016 đến 2020 thành phố mới cân đối được 61.000 tỉ đồng.
Do đó, khi thực Nghị quyết 54 thì thành phố sẽ có thêm nguồn lực triển khai các công trình giao thông. Theo đó, thành phố sẽ có thêm nguồn thu từ việc bán đất công (được hưởng 50%), thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp. Theo ông Cường, hai dự án cần được ưu tiên đầu tư khi có vốn là đường vành đai 2 và 3 vì đây là hai tuyến đường huyết mạch của mạng lưới giao thông thành phố. Trong đó, theo nghị quyết kỳ họp trước của HĐND thành phố, trước năm 2020 phải hoàn thành đường vành đai 2 và một phần đường vành đai 3.