Trong bối cảnh 11 thành viên còn lại của TPP đang bước vào những cuộc thảo luận cuối cùng về việc liệu có nên tiếp tục áp dụng một vài điều khoản chủ chốt mà không có Mỹ hay không, cơ hội để hiệp định này đi vào hiệu lực có thể phụ thuộc vào chuyện Nhật Bản có từ bỏ những phần mà nước này coi là cần thiết nhưng không nhận được sự ủng hộ của các nước còn lại.
“Chúng tôi đang tiến đến những vấn đề chủ chốt nhất”, Bộ trưởng Kinh tế và chính sách tài khóa của Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói với phóng viên. Các bộ trưởng và trưởng đoàn đàm phán của các nước thành viên TPP đang họp lại, hướng đến mục tiêu đưa TPP vào hiệu lực sau khi Mỹ tuyên bố ra đi hồi tháng 1.
Nikkei dẫn nguồn tin thân cận cho biết các bên đang cố gắng hết sức có thể. Lãnh đạo của 11 quốc gia sẽ gặp nhau bên lề APEC và hi vọng sẽ có thể thông qua 1 thỏa thuận.
Các nước còn lại đang kêu gọi tạm hoãn nhiều điều khoản bởi hiện nay Mỹ đã không còn ở trong hiệp định. Hơn 10 chương đang được thảo luận về vấn đề này, trong đó có chương về 1 hệ thống giải quyết tranh chấp giữa các Chính phủ và nhà đầu tư, những giới hạn đối với doanh nghiệp nhà nước và quy định về bỏ thuế đánh vào hàng may mặc.
Nhật Bản – trên cương vị đồng chủ tịch vòng đàm phán bộ trưởng với Việt Nam, đặt mục tiêu ngày hôm nay (9/11) sẽ đưa ra 1 gói thỏa thuận cuối cùng để các bộ trưởng có thể bàn thảo thống nhất một thoả thuận nguyên tắc cho TPP-11. Phía Nhật cũng hối thúc các bên từ bỏ nhiều yêu cầu nhất có thể.
Nhật Bản đang cố gắng vận động hành lang để những phần mà nước này cho là quan trọng (như hệ thống giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Chính phủ) có hiệu lực giống như những gì đã viết. Tuy nhiên một số quốc gia khác muốn “đóng băng” những điều khoản như vậy. Ông Motegi đề xuất chỉ nên “đóng băng” dưới 10 điều khoản.
Những bất đồng về thuế đánh vào hàng dệt may cũng đang cản đường thỏa thuận. Bản thỏa thuận mà một số nước đã ký quy định chỉ xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm dệt may làm từ bông và sợi được sản xuất tại các nước thành viên. Mỹ và Mexico – những nước sản xuất nhiều bông và muốn bảo vệ ngành dệt may từ những đối thủ cạnh tranh có chi phí sản xuất thấp - đã chiến thắng trong cuộc tranh luận về điều khoản này. Tuy nhiên Việt Nam muốn loại bỏ quy tắc về xuất xứ.
Bên cạnh đó, một số nước như Canada đề xuất thay đổi tên hiệp định vì Mỹ đã rút.