Tổng thống Mỹ Donald Trump là một người không ngại thay đổi ý định. Trong suốt chiến dịch tranh cử 2016, ông liên tục chỉ trích Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc đầu tiên ông làm khi vào Nhà Trắng là ký quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, vị nguyên thủ và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin thường xuyên đưa ra gợi ý về việc cân nhắc gia nhập lại.
Nếu ông Trump quay lại, đây sẽ là một thắng lợi to lớn cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người dẫn dắt thỏa thuận từ khi Mỹ ra đi và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, người cố gắng thuyết phục ông Trump về những lợi ích của TPP. Đối với cả 2 nước, sự hiện diện của Washington trong khu vực là mối quan tâm quốc gia quan trọng.
Nhiều nước thành viên khác sẽ hoan nghênh sự tham gia của Mỹ như là một lựa chọn thay thế cho việc bị hút vào "thế giới" của Trung Quốc. Nếu nói về hiệu quả kinh tế thuần túy, người hưởng lợi chính trong nhóm sẽ là Việt Nam. Xuất khẩu hàng dệt may và thủy sản sẽ được đẩy mạnh bởi việc cắt giảm thuế quan tại các thị trường lớn như Mỹ và Nhật Bản đồng thời đầu tư trực tiếp nước ngoài có khả năng tăng mạnh.
Hành động đầu tiên của ông Trump trong cương vị Tổng thống là rút Mỹ khỏi TPP (Nguồn: Associated Press).
Tại sao ông Trump xem xét "quay về"?
Thực ra, thỏa thuận này không "được lòng" dân Mỹ và chính đối thủ của ông Trump trong cuộc đua 2016, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cũng bỏ bê TPP. Với lập trường "nước Mỹ trước tiên" thấm đậm chủ nghĩa dân tộc, quyết định rút lui của ông Trump là điều dễ hiểu.
Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao Tổng thống Mỹ thay đổi? Câu trả lời: sự lo ngại ngày càng gia tăng giữa các cố vấn của ông về Trung Quốc. Như Akira Amari, cựu bộ trưởng TPP của Nhật, từng nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây: "Trung Quốc đang cố gắng rất nhiều để quy tắc của họ được công nhận là tiêu chuẩn. Nhưng các quy tắc này khác với những gì Nhật Bản, Mỹ và châu Âu coi là công bằng".
Vai trò của Mỹ có vẻ đang lung lay ở châu Á. Bất chấp những lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên vẫn ngang nhiên phát triển vũ khí hạt nhân. Đồng minh Hàn Quốc phần nào "bỏ rơi" Washington để theo đuổi quan hệ với chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ngày càng chứng tỏ vai trò lãnh đạo "cốt lõi", đặc biệt nếu Quốc hội nước này phê chuẩn bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước. Tham vọng "Một vành đai, một con đường" của ông đã lan ra quy mô toàn cầu. Chỉ Mỹ, Canada và Nhật là chưa tham gia kế hoạch xây dựng/nâng cấp một mạng lưới đường cao tốc, đường sắt, bến cảng và đường ống này.
Việc Mỹ trở lại TPP có thể thay đổi đáng kể cục diện này. Hiện nay, Thái Lan đang xem xét việc gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - phiên bản mới của TPP - sẽ được ký vào hôm nay (8/3). Tuy nhiên, như nhà cựu ngoại giao Đài Loan Huang Kwei-Bo cho hay, "một TPP không Mỹ cũng giống như một con hổ không răng." Đó là sự khác biệt giữa quy mô 13% và 40% GDP thế giới. Và nếu ông Trump "quay về", nhiều khả năng là Indonesia, Đài Loan và Philippines cũng sẽ tham gia.
Một cái tên nghe có phần xa cách nhưng hoàn toàn có thể: Anh. Theo các phương tiện truyền thông, Chính phủ Anh đang xem xét khả năng và các cuộc thảo luận không chính thức đã được tổ chức. Phải thừa nhận, London là cả một chặng đường dài từ Auckland, nơi mà hiệp ước được ký kết, nhưng chẳng phải Ottawa cũng như vậy? Trên thực tế, "TPP 2.0" có thể trở thành một hiệp định lớn hơn nhiều so với bản gốc.
Liệu các thành viên hiện tại có chấp nhận ngồi đàm phán lại vì Washington? Dù Tổng thống Chile Michelle Bachelet từng khẳng định "Không thể sửa TPP chỉ để làm hài lòng Mỹ", câu trả lời vẫn rất dễ là "có". Xét cho cùng, việc tiếp cận thị trường Mỹ là điểm thu hút chính cho nhiều quốc gia thành viên nhỏ hơn, trong khi đối với Nhật Bản, lợi ích thương mại chưa bao giờ là điểm chính.
TTP có thể coi là một "test case" (trường hợp thử nghiệm) cho tương lai của khu vực. Liệu châu Á sẽ "hòa tan" vào các tiêu chuẩn mới của một Trung Quốc đang lên hay sẽ tái cấu trúc và phát triển với sức mạnh của chính mình?