Chính phủ Trung Quốc đã cam kết giúp đỡ 300.000 người lao động tìm kiếm việc làm mới sau khi lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm trên sông Dương Tử (Trường Giang) được ban hành vào đầu năm nay nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và số lượng cá trên sông giảm mạnh, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông).
Cụ thể, theo SCMP, lệnh cấm này đã được áp dụng kể từ ngày 1/1 năm nay tại 332 khu bảo tồn dọc con sông Dương Tử dài 6.300km - con sông dài nhất châu Á và dài thứ 3 trên thế giới. Trung Quốc cũng dự định sẽ mở rộng lệnh cấm này đối với nhánh sông chính, các chi lưu trọng yếu và những hồ lớn phụ cận trước ngày 1/1 năm sau.
Đối với những cộng đồng đã sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Dương Tử qua nhiều thế hệ, lệnh cấm nói trên đã trở thành một "đòn giáng" mạnh, và tồi tệ hơn nữa, khi đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới kinh tế, những người lao động này lại càng gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm mới.
Trải dài từ vùng cao nguyên Tây Tạng tới vùng biển Hoa Đông gần Thượng Hải, sông Dương Tử và các chi lưu của nó chảy qua một khu vực rộng lớn, có hơn 459 triệu dân sinh sống, gần bằng dân số Mỹ và Nhật Bản cộng lại.
Sông Dương Tử có đa dạng sinh học phong phú và là môi trường sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm, tuy nhiên sau nhiều thập kỷ bị khai thác quá mức, các loài cá trên con sông này đã gần cạn kiệt.
Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, trước đây sản lượng đánh bắt cá nước ngọt trên sông Dương Tử từng chiếm 60% trên tổng sản lượng toàn quốc, nhưng đến nay con số này đã giảm xuống dưới 0,2%.
Ảnh minh họa: Reuters
10 vạn tàu cá ngừng hoạt động, 30 vạn lao động mất việc làm
Cho đến nay, lệnh cấm đánh bắt cá là động thái mạnh mẽ nhất từng được thực hiện nhằm khôi phục hệ sinh thái sông Dương Tử, nhưng đi cùng với nó là những tác động nặng nề đến các cộng đồng đã nhiều đời kiếm sống nhờ nghề đánh bắt cá trên con sông này.
Hôm 15/7 vừa qua, các quan chức Trung Quốc cho biết hơn 100.000 tàu cá sẽ buộc phải ngừng hoạt động, và 300.000 lao động sẽ phải ngừng đánh bắt cá do lệnh cấm này. Con số này không bao gồm những người đánh bắt cá trái phép trên sông Dương Tử.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 80.000 tàu cá ngừng hoạt động, và hơn 100.000 lao động ngừng đánh bắt cá, các quan chức này cho biết.
Ông Song Xin, một quan chức của Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc, cho biết: "Hầu hết các ngư dân đều đã có tuổi và không có kỹ năng khác. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, họ đang gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Chúng tôi hoàn toàn có thể hiểu cho họ."
Theo vị quan chức này, chính phủ Trung Quốc dự định sẽ tổ chức các khóa dạy nghề để cung cấp cho người lao động những kĩ năng cần thiết cho các công việc như xây dựng hoặc làm công nhân trong các nhà máy. Trong khi đó, những người muốn tự kinh doanh có thể nhận được trợ cấp hoặc được cho vay ưu đãi.
Ông Song Xin không nêu cụ thể những lao động này sẽ được sắp xếp làm việc tại đâu, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc vốn đang phải đối mặt với khủng hoảng việc làm do đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, vị quan chức này đã tiết lộ rằng một số lao động có thể sẽ được bố trí vào lực lượng tuần tra tại sông Dương Tử để đảm bảo người dân tuân thủ lệnh cấm đánh bắt cá.
Bên cạnh đó, theo ông Song, chính phủ Trung Quốc cũng sẽ phát triển những ngành công nghiệp thân thiện với môi trường như nuôi trồng thủy sản và các loại hình câu cá giải trí để tạo ra thêm việc làm tại khu vực sông Dương Tử.
Theo những thông tin được truyền thông Trung Quốc đăng tải trước đó, một số gia đình ngư dân cho biết họ gặp khó khăn khi muốn tìm kiếm việc làm đem lại thu nhập tương tự như nghề đánh bắt cá, trong khi một số gia đình khác cho biết những chiếc thuyền cá, tàu cá đã là ngôi nhà của họ trong nhiều thập kỷ, và giờ đây do lệnh cấm, họ buộc phải tìm nơi khác để sinh sống.
Một số ý kiến khác đã thừa nhận vấn đề sản lượng cá trên sông Dương Tử đã giảm rõ rệt trong những năm qua, theo SCMP.
Các chuyên gia cho rằng những hoạt động của con người như xây đập, đánh bắt cá quá mức, giao thông đường thủy, nạo vét lòng sông... đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các loài sinh vật sống trong môi trường này. Do đó, chính phủ Trung Quốc khẳng định rằng lệnh cấm 10 năm là điều rất cần thiết để khôi phục đa dạng sinh học trên sông Dương Tử.
Tại cuộc họp báo hôm 15/7, các quan chức Trung Quốc cho biết hơn nửa năm sau khi lệnh cấm được ban hành, tình trạng đánh bắt cá trái phép vẫn tiếp diễn tại một số khu vực.
Trước tình trạng này, chính quyền địa phương cho biết họ đang tính đến những biện pháp mạnh tay hơn nữa như tác động đến người bán và cấm các phương tiện, dụng cụ đánh bắt cá.