Vai trò của ông Vương Kỳ Sơn trong vấn đề Mỹ-Trung
Ông Vương Kỳ Sơn, được biết đến ở Trung Quốc với biệt danh "đội trưởng đội cứu hỏa" nhờ từng xử lý nhiều công việc khó khăn, nói rằng nhiệm vụ chính hiện nay của mình là "ngoại giao nghi thức", giữa những đồn đoán cho rằng ông có vai trò sau hậu trường trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc.
Ông Vương có sự kiện đối ngoại mới nhất vào ngày 1/7 khi tiếp Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard tại Bắc Kinh.
"Sau 13 năm, ngài đã trở nên thành thục còn tôi thì đã già," ông Vương nói với Ebrard, đề cập cuộc gặp giữa họ vào năm 2006 - khi ông Vương Kỳ Sơn là thị trưởng Bắc Kinh, còn ông Ebrard là ứng viên thị trưởng Mexico City.
"Hiện giờ ngài đã là người đứng đầu ngành ngoại giao [Mexico], còn tôi phụ trách hỗ trợ Chủ tịch [Tập Cận Bình] trong một số nghi thức ngoại giao."
Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard (trái) gặp Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tại Bắc Kinh, ngày 1/7 (Ảnh: AP)
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, ông Vương - 71 tuổi - không nắm vai trò công khai trong căng thẳng thương mại kéo dài hơn 1 năm qua giữa Mỹ với Trung Quốc. Trong quá khứ, Phó chủ tịch Trung Quốc có kinh nghiệm xử lý hàng loạt vấn đề - bao gồm giúp Bắc Kinh ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ông cũng có kinh nghiệm đàm phán với Mỹ khi còn giữ chức Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực tài chính và các liên hệ kinh tế với Washington.
Trong thời gian làm Phó thủ tướng Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn có mối liên hệ với nhiều chính khách cùng doanh nghiệp chủ chốt của Mỹ, đặc biệt là những nhân vật có bối cảnh ở Phố Wall như cựu Bộ trưởng tài chính Henry Paulson.
Kể từ khi rời cương vị Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc vào năm 2017 và trở thành Phó chủ tịch nước vào năm 2018, ông Vương đã tiếp tục liên hệ với giới lãnh đạo doanh nghiệp và các cựu quan chức ngoại giao, dù không phải tất cả các cuộc gặp này đều được công khai.
Theo SCMP, một trong số gương mặt mà ông Vương tiếp kiến gần đây là CEO Tim Cook của hãng Apple, một thành viên ban cố vấn cho trường kinh tế và quản trị thuộc Đại học Thanh Hoa danh tiếng.
Ông Vương cũng gặp gỡ nhà kinh tế học Derek Scissors của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI). Scissors, người từng thảo luận chính sách về Trung Quốc với Nhà Trắng, cho biết ông đã gặp mặt ông Vương Kỳ Sơn cùng một số ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc trong chuyến công tác tại Bắc Kinh vào năm ngoái.
Ông Vương cùng cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ Henry Paulson tại đối thoại kinh tế ở Annapolis, bang Maryland, Mỹ, năm 2008 (Ảnh: Reuters)
Mỹ từ chối để ông Vương đàm phán với ông Pence
Sau cuộc gặp với Vương Kỳ Sơn năm 2018, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời tổng thống Barack Obama, ông Kurt Campbell, nói rằng Phó chủ tịch Trung Quốc "vẫn có nhiều liên quan" trong vấn đề Mỹ-Trung.
Campbell tiết lộ Bắc Kinh mong muốn ông Vương đứng ra đàm phán với người đồng cấp Mỹ Mike Pence.
"Dường như họ (Trung Quốc) cố gắng ghép đôi ông ấy với Phó tổng thống Pence để phát huy vai trò nào đó trước khi những vấn đề được đệ trình lên cho Chủ tịch Tập và [Tổng thống Mỹ] Trump," Campbell nói trong một sự kiện tại Washington vào tháng 10/2018, sau chuyến đi Bắc Kinh của ông.
"Tuy nhiên, điều đó đã không thành công, tôi nghĩ chủ yếu do chính quyền chúng ta đã gửi tín hiệu rằng đó không phải là phương án mà chúng ta sẽ áp dụng với Phó tổng thống," ông nói. "Nhưng ông [Vương Kỳ Sơn] vẫn có nhiều liên quan và có vai trò thầm lặng trên phương diện kinh tế."
Hồi tháng trước, Bloomberg đưa tin rằng Trung Quốc lại cố gắng sắp đặt một cuộc điện đàm giữa ông Vương và ông Pence vào đầu tháng 6, trong lúc căng thẳng thương mại song phương leo thang đến đỉnh điểm. Theo ba nguồn tin ẩn danh của Bloomberg, phía Mỹ đã cự tuyệt đề xuất này.
Các cuộc gặp giữa ông Vương với Scissors và Campbel cũng không được Bắc Kinh thông báo công khai.
Trong khi đó, nguồn tin ẩn danh trong chính phủ Trung Quốc tiết lộ với SCMP rằng ông Vương đã được yêu cầu nắm vai trò trong các vấn đề về Mỹ, nhưng ông tỏ ra ngần ngại bởi những vướng mắc liên quan.
Thông điệp của ông Vương Kỳ Sơn ngày 1/7 đưa ra sau khi ông Tập Cận Bình gặp tổng thống Donald Trump bên lề hội nghị cấp cao nhóm G20 tại Osaka, Nhật Bản hôm thứ Bảy (29/6). Lãnh đạo Mỹ-Trung đồng thuận đình chiến thương mại tạm thời và tái khởi động đàm phán.
Ông Trump đồng ý trì hoãn việc áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm các công ty Mỹ cung ứng linh kiện cho hãng Huawei của Trung Quốc. Dù vậy, giới phân tích cho rằng một thỏa thuận thương mại vẫn là điều còn xa vời.