CTCP Thực phẩm Quốc tế - Interfood (Mã CK: IFS) tiền thân là Công ty Công nghiệp Chế biến Thực phẩm Quốc tế (IFPI) được thành lập từ cuối năm 1991 và là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, thuộc sở hữu hoàn toàn của Trade Ocean Exporters Sdn Bhd (Malaysia).
Từ hoạt động ban đầu là chế biến nông sản, thủy sản thành sản phẩm đóng hộp để xuất khẩu, năm 2003, Interfood được phép sản xuất các sản phẩm nước trái cây có ga và nước trái cây có độ cồn nhẹ. Các mặt hàng này sau đó trở thành lĩnh vực kinh doanh chính của công ty.
Trong ngành giải khát, Interfood có thị phần khá nhỏ so với những tên tuổi như Coca Cola, Pepsi, Tân Hiệp Phát…Dù vậy, Interfood vẫn phát triển tốt khi tập trung vào thị trường ngách nước trái cây không ga với thị phần khoảng 50-60%. Trong đó, Trà bí đao Wonderfarm là sản phẩm nổi bật của công ty khi không có đối thủ cạnh tranh xứng tầm. Ngoài ra, Interfoond còn một số sản phẩm khác như nước Yến Ngân Nhĩ hay các sản phẩm bánh được thực hiện bởi công ty thành viên AVA.
Cuối năm 2006, Interfood lên sàn chứng khoán với mã chứng khoán IFS và cổ phiếu này đã thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Có thời điểm cổ phiếu IFS leo lên mức giá hơn 50.000 đồng/cp.
Đang trên đà bứt phá, biến cố lớn đã đến với Interfood vào năm 2008 khi một số sản phẩm bánh của công ty có hàm lượng chất melamine vượt quá mức độ cho phép. Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế năm 2008 nổ ra càng khiến Interfood gặp muôn vàn khó khăn và công ty báo lỗ 267 tỷ đồng.
Tuy vậy, đây mới chỉ là những khởi đầu khó khăn của Interfood. Năm 2010, nợ phải trả của công ty lên tới hơn 600 tỷ đồng, gần bằng tổng tài sản. Tình hình tài chính kiệt quệ, công ty thậm chí phải nhượng toàn bộ vốn tại công ty bao bì cho đối tác.
Hồi sinh sau sự hiện diện của đối tác Nhật Bản
Trong bối cảnh muôn trùng khó khăn, cổ đông Malaysia quyết định rút lui và nhượng lại toàn bộ 57,25% cổ phần Interfood cho Kirin (một trong những Tập đoàn sản xuất thực phẩm lớn nhất Nhật Bản) vào năm 2011. Ngay tại cuộc họp đầu tiên kể từ khi tiếp quản, Kirin đã tuyên bố sẽ cần đến 5 năm để "hồi sinh" Interfood.
Quả thực, kể từ khi tiếp quản, Kirin đã thực hiện song hành việc cơ cấu nợ cho Interfood, cũng như đẩy mạnh phát triển thương hiệu, sản phẩm mới cho công ty.
Năm 2013, Kirin đã bơm 210 tỷ đồng vào Interfood thông qua đợt phát hành riêng lẻ 21 triệu cổ phiếu, qua đó vốn điều lệ Interfood được nâng lên 501 tỷ đồng. Chưa dừng lại, trong giai đoạn 2014 – 2015, Kirin tiếp tục nâng sở hữu tại Interfood thông qua 2 đợt phát hành riêng lẻ và vốn điều lệ công ty được nâng lên 871 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Kirin cũng hỗ trợ tài chính cho Interfood bằng các khoản vay nội bộ không tài sản thế chấp với lãi suất thấp.
Interfood đang dần hồi sinh sau sự hiện diện của Kirin
Với hàng loạt biện pháp cơ cấu kể trên, các khoản nợ vay của Interfood đã được làm sạch hoàn toàn và doanh nghiệp có được nguồn lực tài chính vững vàng để hoạt động. Bên cạnh hỗ trợ về tài chính, sự góp mặt của Kirin đã giúp Interfood có thêm nhiều sản phẩm mới, tiêu biểu là dòng nước vị trái cây Kirin Ice+ được sản xuất với công nghệ Nhật Bản.
Những nỗ lực cơ cấu doanh nghiệp của Kirin đã dần mang lại trái ngọt. Năm 2016, Interfood báo lãi 43,4 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 5 năm thua lỗ liên tiếp trước đó. Cũng trong năm 2016, Interfood trở lại sàn chứng khoán khi đăng ký giao dịch trên Upcom. Trước đó, năm 2013, Interfood đã bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ.
Kể từ thời điểm trở lại sàn chứng khoán tới nay, hoạt động kinh doanh của Interfood tăng trưởng vượt bậc. Năm 2017, Interfood ghi nhận doanh thu 1.421 tỷ đồng – tăng 7%; Lợi nhuận sau thuế 116 tỷ đồng, gấp 2,7 lần năm trước. Sang năm 2018, doanh thu Interfood tiếp tục tăng 11% lên 1.578 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 55% lên hơn 180 tỷ đồng.
Báo cáo quý 1/2019 tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng của Interfood với doanh thu tăng 11% và lợi nhuận tăng 47%. Dù vậy, hậu quả của giai đoạn khủng hoảng 2008 – 2015 khiến Interfood vẫn còn lỗ lũy kế 457 tỷ đồng.
Biên lãi gộp cải thiện mạnh
Một điểm đáng lưu ý, những năm gần đây doanh thu Interfood tăng không quá mạnh, nhưng lợi nhuận bứt phá ngoạn mục nhờ được hỗ trợ nguồn vốn từ Kirin, giúp chi phí tài chính tiết giảm đáng kể. Ngoài ra, công ty cũng cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất giúp hạ giá vốn sản phẩm. Điều này giúp biên lãi gộp Interfood liên tục cải thiện trong những năm gần đây. Riêng năm 2018, biên lãi gộp Interfood đạt 40% và đến quý 1/2019 tiếp tục được nâng lên 42%.
Với kết quả kinh doanh tích cực, không bất ngờ khi cổ phiếu Interfood (IFS) duy trì đà tăng khá tốt trong những năm qua. Từ mức giá khởi điểm 3.000 đồng/cp khi trở lại sàn Upcom vào cuối năm 2016, đến nay thị giá IFS đã xoay quanh mức 17.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường hơn 1.500 tỷ đồng.
Biến động cổ phiếu IFS kể từ khi trở lại sàn chứng khoán tới nay
Mục tiêu lợi nhuận "thận trọng" của Interfood
Trong báo cáo thường niên, Chủ tịch kiêm TGĐ Interfood, ông Yutaka Ogami cho biết: "Một công ty không có lợi nhuận không thể tiếp tục tồn tại. Lợi nhuận là tiền đề chính của việc tồn tại, vì vậy trước hết Công ty phải có lợi nhuận và điều này Interfood đã thực hiện được trong 3 năm qua, kể từ năm 2016. Công ty đã đứng vững ở vạch khởi đầu mới".
Song hành với mục tiêu lợi nhuận, ông Yutaka Ogami cũng không quên đặt mục tiêu phải có lợi nhuận một cách nghiêm túc. "Tôi không muốn Công ty có lợi nhuận bằng các hành động xấu. Tôi muốn Công ty được mọi người nhắc đến là Công ty nghiêm túc, đó thật sự là một Công ty" ông Yutaka Ogami viết trong báo cáo.
Năm 2019, Interfood đặt kế hoạch doanh thu 1.807 tỷ đồng, tăng 5%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là 148 tỷ đồng, giảm 18% so với năm trước. Tuy vậy, "thận trọng" có lẽ là một trong những nguyên tắc kinh doanh của người Nhật và điều này có thể thấy qua việc đặt kế hoạch kinh doanh thấp hơn thực hiện rất xa của Interfood.
Kế hoạch lợi nhuận Interfood thường thấp hơn nhiều so với thực hiện
Năm 2018, Interfood đặt kế hoạch lợi nhuận khá thấp với 96 tỷ đồng, nhưng kết quả công ty hoàn thành vượt 87% chỉ tiêu đề ra. Cần lưu ý, kế hoạch kinh doanh năm 2018 của Interfood cũng thấp hơn 17% kết quả thực hiện trong năm 2017.
Trước đó trong năm 2017, Interfood cũng đặt kế hoạch lợi nhuận vỏn vẹn 16 tỷ đồng, bằng 40% thực hiện trong năm trước đó. Nhưng kết quả, Interfood đã hoàn thành gấp 7 lần chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Báo cáo quý 1/2019 cho thấy lợi nhuận công ty tiếp tục tăng trưởng 47% lên 55,7 tỷ đồng, hoàn thành 38% chỉ tiêu đề ra. Với kết quả này, việc Interfood vượt kế hoạch kinh doanh năm 2019 (nếu có) sẽ là điều không bất ngờ bởi quý 1 chưa phải thời điểm ghi nhận lợi nhuận tốt nhất của công ty.