Tháng 7-2017, Long và Tuấn dán và phát tờ rơi quảng cáo cho vay tiền nhanh chóng, tiện lợi. Theo đó, Long và Tuấn cho vay theo 2 dạng: "vay tiền đứng" (trả tiền lãi theo ngày, đến khi trả hết tiền gốc thì dừng) và "vay tiền góp" (trả cả gốc lẫn lãi theo ngày, trong thời gian hai bên thỏa thuận). Cơ quan tố tụng xác định trong gần 1 năm, 10 người vay tiền Long với lãi suất từ 15%-30%/tháng. Mức lãi suất trên cao gấp 9-18 lần so với mức lãi suất cao nhất pháp luật cho phép. Long cho vay hơn 3,9 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 874 triệu đồng.
Tương tự, Tuấn cho 39 người vay hơn 5 tỉ đồng, thu lãi từ 9%-52,5%/tháng, cao gấp 5-31,43 lần so với quy định. Từ đó, Tuấn thu lợi bất chính hơn 694 triệu đồng. Vì thế, tòa án đủ căn cứ xét xử 2 bị cáo theo khoản 2 điều 201 Bộ Luật Hình sự 2015 có khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỉ đồng.
Ngoài mức án tù, HĐXX buộc 2 bị cáo nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Về lý do giảm án, cấp phúc thẩm giải thích 2 bị cáo đã nộp lại một phần số tiền thu lợi bất chính, tự nguyện xóa nợ cho tất cả người vay chưa trả đủ tiền gốc. Ngoài ra, cấp sơ thẩm chưa xem xét tình tiết giảm nhẹ gồm: bị cáo Tuấn mắc bệnh tim; bị cáo Long từng tham gia nghĩa vụ quân sự.
Dù tập hợp khá nhiều tình tiết có lợi nhưng 2 bị cáo không tránh nổi án tù. Bởi lẽ, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định rõ người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ Luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỉ đồng; hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.