Thị trường việc làm "đóng băng" khiến nhiều doanh nghiệp CNTT thiếu nhân sự trầm trọng. Vị trí chất lượng liên quan đến AI, Data engineer, Blockchain được trả lương đến 5.000 USD vẫn khó tìm nhân sự.
Lương cao cũng khó "kéo" người giỏi
Hơn 4 tháng qua, ông Nguyễn Vĩnh Bảo - Giám đốc một công ty TNHH tại quận Tân Bình (TPHCM) tỏ ra khá lo lắng vì nhân sự thiếu hụt gần 30%. Một số dự án công ty đang triển khai phải kéo dài thời hạn, nhiều dự án mới phải trả lại khách hàng vì thiếu nhân lực.
Công ty của ông Nguyễn Vĩnh Bảo hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hiện có 40 nhân sự chính, 20 cộng tác viên.
Từ tháng 6/2020 đến nay, công ty mới tuyển được 6 nhân sự lập trình viên có vài năm kinh nghiệm, mức lương 20-30 triệu đồng. Cộng tác viên hưởng lương theo từng dự án.
"Riêng những vị trí đòi hỏi nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm, giỏi chuyên môn về AI (trí tuệ nhân tạo), Data engineer (khoa học dữ liệu), Blockchain (cơ sở dữ liệu) thì thực sự chưa tuyển dụng được", ông Nguyễn Vĩnh Bảo than thở.
Cũng theo vị giám đốc này, không chỉ riêng công ty của ông mà nhiều đơn vị khác về công nghệ cũng rơi vào tình trạng thiếu nhân sự nghiêm trọng, đặc biệt là những nhân sự có thâm niên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc trên, tiền chưa phải quan trọng nhất.
"Nhân sự giỏi ngành công nghệ thường mở công ty riêng, lập nhóm riêng để phát triển bản thân. Họ không muốn gò bó ở các công ty và ngày đêm "cày" những dự án không phải đam mê của mình. Họ sẵn sàng ra lập nhóm riêng rồi nhận các dự án với thu nhập chỉ vài chục triệu đồng/tháng, thay vì làm ở công ty với mức lương hàng trăm triệu đồng - ông Nguyễn Vĩnh Bảo phân tích.
Công ty của ông Nguyễn Vĩnh Bảo đang tuyển sinh viên mới ra trường, mức lương trung bình 5-10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức lương cho những ứng viên có kinh nghiệm có thể từ 3.000-5.000 USD/tháng.
"Đối với những ngành khác, lương càng cao càng dễ tuyển dụng, nhưng công nghệ thì không hẳn. Tôi sẵn sàng trả lương lên đến 5.000USD/tháng, cao hơn gần 1.000 USD/tháng so với mặt bằng để tuyển những vị trí có năng lực phát triển dự án liên quan đến trí tuệ nhân tạo, nhưng không có nhiều người ứng tuyển", ông Nguyễn Vĩnh Bảo chia sẻ.
Cùng chung hoàn cảnh đó, ông Nguyễn Thế Gia, Giám đốc một công ty công nghệ tại TPHCM cũng đang trăn trở tìm nhân sự giỏi về công nghệ. Đặc biệt với nhân sự có chuyên môn cao, kinh nghiệm lâu năm về dữ liệu và phát triển trí tuệ nhân tạo.
"Nhu cầu nhân sự công nghệ luôn thiếu hụt nhiều năm qua, do dịch sẽ càng thiếu hơn, chuyện khó tuyển dụng cũng dễ hiểu. Những nhân sự chất lượng, các công ty đều đãi ngộ khá tốt nên nghỉ việc cũng không nhiều. Mặt khác, dịch có thể khiến nhiều người ngại chuyển việc nên dù có trả lương 5.000USD/tháng cũng rất khó tuyển dụng", ông Nguyễn Thế Gia phân tích.
Cung không đủ cầu
Chia sẻ về vấn đề trên, theo ông Nguyễn Anh Toàn - chuyên gia kinh tế tại TPHCM - nhân sự ngành công nghệ luôn là chủ đề "nóng" tại các diễn đàn nhiều năm qua. Việt Nam hiện có khoảng một triệu lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
"Nhu cầu công nghệ ngày càng lớn, nhu cầu nhân sự về robot tự động hóa, phân tích dữ liệu, điện toán đám mây đi kèm trí tuệ nhân tạo ngày càng khan hiếm hơn. Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp lớn cũng rất khó tuyển dụng, đặc biệt trong mùa dịch", ông Nguyễn Anh Toàn chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế này, mỗi năm Việt Nam thiếu khoảng 400.000 nhân sự trong ngành công nghệ thông tin. Tuy vậy, mỗi năm cả nước chỉ có khoảng 50.000 sinh viên ngành công nghệ ra trường.
Khoảng cách về thiếu nhân sự ngành này sẽ ngày càng được nhân rộng khi nhu cầu xã hội ngày càng cao.
"Các trường đại học cần mở rộng thêm ngành công nghệ và đào tạo sát với nhu cầu thực tế để đáp ứng được sự thay đổi tốc độ của công nghệ. Cần phải làm sao để sinh viên khi ra trường đều là những nhân sự chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công việc. Nếu nhân lực đã thiếu mà sinh viên ra trường còn phải đào tạo lại thì sẽ càng thiếu hơn", ông Nguyễn Anh Toàn nêu quan điểm.
Để giải bài toán nhân sự mùa dịch, theo ông Nguyễn Anh Toàn, các công ty công nghệ cần có sự phối hợp chặt hơn với các trung tâm tuyển dụng. Cần áp dụng phỏng vấn online, đào tạo online cho các nhân sự tiềm năng để có thể chủ động tuyển dụng thời điểm này.
"Doanh nghiệp phải chấp nhận đào tạo từ xa nếu mong muốn có nhiều nhân sự chất lượng cao lúc này. Nếu làm được điều này, công ty sẽ không bị thụ động về nhân sự khi dịch kéo dài hoặc xảy ra sự cố nhân sự. Đội ngũ cộng tác viên cũng cần được quan tâm đúng mức để khi cần huy động toàn thời gian, họ sẽ hỗ trợ", ông Nguyễn Anh Toàn phân tích thêm. |
(Theo Dân Trí)