Thực tế, đây là món đồ uống do một vài thương hiệu trà sữa đưa ra nhân sự kiện ngày cá tháng Tư (có cả ở Việt Nam và Trung Quốc). Phản ứng chung của cộng đồng mạng là vô cùng sửng sốt khi những ly trà sữa béo ngậy ngập hành lá thái nhỏ, kèm theo các loại topping (thạch phô mai, củ năng, trân châu…).
Đáng chú ý, món đồ uống "có một không hai" này được một cửa hàng đồ uống ở TP HCM bán với giá 49.000 đồng/cốc. Khi mua về quán sẽ để riêng trà sữa, phần topping thạch phô mai, trân châu đến một phần hành lá sống.
Hàng loạt Food reviewer, TikToker đã đăng tải clip review trà sữa hành lá kích thích sự tò mò của cộng đồng mạng. Dưới phần bình luận của các clip review, cộng đồng mạng bình luận sôi nổi về "nỗi sợ" món ăn này như nhìn thôi đã ớn lạnh, đau bụng…
Tuy vậy, nhiều bạn trẻ vì hiếu kỳ và muốn thưởng thức sự kết hợp độc lạ này nên đã mua thử để uống. Phần đông nhận xét vị trà sữa rất khó uống vì độ hăng của hành, với những ai ghét hành hoặc không chịu được mùi hành lá thì đây là thức uống ác mộng.
"Đu theo trà sữa hành lá ", nhiều thương hiệu quảng cáo đồ uống của mình như matcha hành lá đá xay. Hay nhiều người "đu trend", sáng tạo thêm các món ăn như trà sữa ớt, trà sữa mì gói hải sản, trà sữa bánh tráng trột, trà sữa cá chiên…
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Hoàng Tùng, chuyên gia trong lĩnh vực F&B, nhìn nhận trong kinh doanh F&B, một số đồ uống không phải chỉ bán mà còn có tính năng như công cụ marketing để nhắc nhở, gợi nhớ khách hàng, hay tạo hiệu ứng lan truyền.
Trước đây, "chúng ta thấy có bánh pizza bún đậu mắm tôm, cà phê ớt hay gần đây trà sữa hành lá . Tôi tin rằng người bán hàng làm ra không phải bán mà tạo viral cho thương hiệu" - ông Tùng nói.
Thực tế, có món đồ uống là trend, nhưng sản phẩm dựa trên nền tảng uống ngon, kết hợp lạ, kéo dài hạn như cà phê muối, trà mãng cầu… thu hút nhiều khách hàng. Còn với trà sữa hành lá , sản phẩm chỉ tạo ra hiệu ứng lan truyền, thực tế số lượng người uống nếu có sẽ rất ít, chủ yếu muốn trải nghiệm.
Ông Tùng nhận định đây là cách truyền thông bởi nguyên lý của ngành F&B không phải món nào tạo ra cũng để bán mà tạo ra để nhắc nhở khách hàng về thương hiệu của mình.