Theo đó, báo phản ánh chị Trần Thị Mỹ Trang (phường Phú Nhuận, quận 7 , TP.HCM ) đã liên hệ nhiều nơi để đòi lại số tiền 25 triệu đồng mà chị đã chuyển nhầm sang tài khoản người khác nhưng vẫn chưa có kết quả…
Đành rằng việc trả lại tiền do người khác chuyển nhầm cho mình không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là vấn đề đạo đức “nhặt được của rơi thì trả cho người mất”! Tuy nhiên, việc trả lại “của rơi” này cũng không phải đơn giản như nhặt được tài sản khác chỉ đem nộp cho công an là xong.
Trường hợp được người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản của mình, muốn trả cho người chuyển nhầm cũng khá gian truân. Ví dụ: Ngày 1-7 vừa qua, có bà giáo 70 tuổi nhận được điện thoại yêu cầu bà trả lại số tiền đã chuyển nhầm. Bà kể chuyện này cho bà bạn biết. Mọi người khuyên bà “bây giờ bọn lừa đảo nhiều lắm, bà đừng tin, thằng con tôi bị mất mấy chục triệu rồi đấy”!
Lương tâm cắn rứt, bà nghĩ có khi người ta chuyển nhầm thật. Rồi bà nhờ cháu gọi lại vào số máy đã gọi cho bà thì biết đó là máy của ngân hàng, nhân viên nghe điện thoại hứa sẽ xác minh, có gì sẽ gọi lại cho bà sau. Chờ hơn một tháng không thấy gọi lại, bà cho là bọn lừa đảo thật.
Số là cách đây 15 năm, con gái bà làm cho bà cái thẻ ATM tại ngân hàng gần nơi bà ở để thỉnh thoảng nó ở xa chuyển tiền về biếu bà. Từ khi có thẻ ATM bà cũng không sử dụng vì già rồi, ở với các cháu chứ không ở nơi thường trú nên bà không có nhu cầu, chẳng biết số tài khoản và mật khẩu của ATM là gì. Con gái bà thì đã lấy chồng nước ngoài nên bà cũng không biết cái thẻ ATM bây giờ ở đâu nữa, chứ đừng nói số tài khoản hay password gì đó.
Chuyện cụ bà 70 tuổi đã vậy, còn nhiều người hằng ngày có nhiều khoản tiền chuyển vào tài khoản, nhất là đối với những người buôn bán, kinh doanh… thì người ta chỉ quan tâm đến số tiền vào, chứ mấy người quan tâm đến ai chuyển cho mình. Nếu người chuyển tiền cũng có tài khoản còn dễ nhưng có người lại đem tiền mặt nộp cho ngân hàng rồi báo số tài khoản chuyển đến thì “bó tay”.
Là người thường xuyên sử dụng thẻ ATM nên tôi có đăng ký dịch vụ “báo có” khi tiền đến, tiền đi. Tuy nhiên, hệ thống lại không hiển thị số tài khoản của người chuyển đến mà chỉ hiện số tài khoản người nhận. Nếu chủ tài khoản lại không đăng ký dịch vụ thông báo thì làm sao biết trong tài khoản của mình có tiền được chuyển nhầm. Muốn biết, phải đến ngân hàng để xin “sao kê nhật ký” về quá trình tiền đến-đi từ tài khoản.
Theo quy định hiện hành thì chỉ có tòa án, cơ quan điều tra mới có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin của khách hàng. Còn theo quy định của ngân hàng thì việc sao kê nhật ký giao dịch chỉ chủ tài khoản mới có quyền, chỉ chủ tài khoản đồng ý chuyển tiền thì ngân hàng mới chuyển.
Báo chí đưa tin nếu người được chuyển nhầm cố tình không trả lại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng có phải trường hợp nào cũng truy cứu được đâu! Theo Điều 176 BLHS thì “Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng…” mới phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản. Nếu người nhận được tiền chuyển nhầm lại dưới 16 tuổi thì “chào thua”! Còn kiện ra tòa án cũng không đơn giản. Trong một quận, huyện còn dễ chứ một người ở Lào Cai, còn một người ở Cà Mau thì đúng là đánh đố! Đòi được tiền tỉ thì cũng bõ công, chứ 5-7 triệu đồng thì “của một đồng, công một nén”, quên luôn cho khỏe!
Để bảo đảm quyền của cả người chuyển tiền và người nhận tiền nhầm, thiết nghĩ ngân hàng nên có quy định: Sau khi khách hàng cung cấp đầy đủ, hợp pháp bằng chứng là đã chuyển nhầm vào tài khoản nào đó thì ngân hàng kiểm tra ngay trên hệ thống xem có đúng không. Nếu đúng thì có quyền khoanh lại số tiền và sau đó làm việc với bên nhận chuyển nhầm để có sự xác nhận rồi chuyển trả cho khách hàng đã chuyển nhầm. Nếu tài khoản của người được chuyển tiền không đủ tiền và số tiền bị chuyển nhầm đã được rút ra khỏi tài khoản thì báo ngay cho người chuyển nhầm biết để họ thực hiện quyền khởi kiện ra tòa nếu họ muốn.