Đặt mua đồng hồ thông minh trên mạng nhưng anh Nguyễn C.T lại nhận được một đôi giày cũ…
Anh Nguyễn C.T (trú tại Thanh Trì, Hà Nội) vừa đặt mua qua mạng một chiếc đồng hồ thông minh trị giá 240 nghìn đồng từ một chủ shop có địa chỉ tại Hải Dương.
Tiền thanh toán qua hình thức chuyển khoản một lần trước khi chuyển hàng.
Ba ngày sau, anh T. nhận được điện thoại báo hàng đã được ship đến địa chỉ nhà và đề nghị anh lấy. Tuy nhiên, sau khi lấy hàng, mở hàng ra thì anh té ngửa vì đó là một đôi giày cũ.
Đôi giày cũ anh T. nhận được
“Khi nhận hàng shipper không cho kiểm tra vì yêu cầu của người chuyển. Khi thấy nhầm hàng, tôi gọi ngay cho số điện thoại đặt hàng nhưng vừa mới phản ánh và yêu cầu đổi hàng thì bị ngắt máy. Sau đó gọi lại mấy lần đều là máy bận sau đó thì không gọi được nữa”, anh T. bức xúc.
Trên đơn hàng ghi không cho khách xem hàng khi nhận
Không thể liên lại được với shop bán đồ, anh T đành mang đôi giày cũ cho người khác.
“Từ khi dịch bệnh thì tôi hay mua đồ online hơn trước kia. Cũng may mà giá trị các món hàng này thấp. Đây là một bài học về mua hàng online để mọi người rút kinh nghiệm, chỉ nên mua ở những shop hàng quen biết, có uy tín”, anh T. nói.
Anh T. chỉ là một trong rất nhiều khách hàng bị lừa đảo khi mua hàng qua mạng, nhất là khi hình thức này trở nên sôi động hơn kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tại Tọa đàm trực tuyến "Bảo vệ người tiêu dùng thúc đẩy kinh doanh trực tuyến" mới đây, ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua Cục này liên tục nhận được đơn khiếu nại từ người tiêu dùng; Trong đó có rất nhiều vụ việc người bán giao hàng không đúng cho người mua, khi có tranh chấp người bán không giải quyết thỏa đáng...
Ông Quảng cho biết số lượng các vụ việc khiếu nại có xu hướng gia tăng trong thời gian qua, một phần do lượng đơn hàng tăng trưởng mạnh.
Qua theo dõi, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ghi nhận các sàn thương mại điện tử làm việc khá nghiêm túc, các chính sách với người tiêu dùng được công khai, minh bạch. Còn hầu hết các vụ việc giải quyết không thành công đều liên quan đến các cá nhân hoặc hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên các sàn thương mại điện tử.
Đại diện Phòng Thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Đây là hành lanh pháp lý quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử.
Theo đó, các sàn thương mại điện tử phải minh bạch thông tin về hàng hóa khi bán hàng: Cụ thể các thông tin hàng hóa cần công khai để người tiêu dùng nắm rõ trước khi lựa chọn sản phẩm; Chủ website cũng phải công bố những thông tin liên quan đến quy định về bán hàng có điều kiện, công khai giấy phép, giấy chứng nhận khi kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
Bên cạnh đó, ngoài việc áp dụng quy định chặt chẽ hơn với các sàn thương mại điện tử, điểm mới của Nghị định 85 là đưa các hoạt động kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram… vào diện quản lý.
(Theo Báo Giao Thông)