Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ngày 16/11, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) cho rằng, một trong những biện pháp hiện nay để quản lý an toàn nợ công là phải sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Tuy nhiên, theo bà Thủy, vốn đầu tư công hiện nay chưa hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy nhận định, nguyên nhân dẫn đến vốn đầu tư công chưa hiệu quả là phân bổ vốn và giải ngân chậm cho một số các dự án trọng điểm. Ví dụ, hiện nay có hai dự án trọng điểm cũng giải ngân rất chậm, trong đó có tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên và dự án cải tạo môi trường nước tại TP HCM. Bà Thủy đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng liên quan đến vấn đề trên.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích: Hai dự án ở TP HCM giải ngân chậm là do thiếu dự toán, bố trí vốn nước ngoài. Hiện nay, bố trí vốn nước ngoài đang rất thấp.
Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin điều chỉnh dự toán vốn nước ngoài cho TP HCM, ông Dũng trình bày.
Bộ trưởng Dũng đánh giá, TP HCM giải ngân hai dự án này vượt tiến độ, vượt dự toán, nhưng theo đúng cam kết tiến độ. Trong tình hình khó khăn, TP HCM cũng đã ứng vốn của thành phố ra 1.000 tỷ để trả khối lượng hoàn thành cho hai dự án.
Khi Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán cho hai dự án này theo đề xuất của Chính phủ thì chúng tôi sẽ làm việc với nhà tài trợ cũng như thành phố để hoàn trả lại vốn thành phố đã ứng, ông Dũng nêu rõ.
Vấn đề vốn đầu tư công cũng được đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Ông Đồng nêu câu hỏi: vốn đầu tư công được phép 2 triệu tỷ, trong đó có 300.000 tỷ là vốn vay nước ngoài theo Báo cáo giải trình của Bộ trưởng thì vốn vay nước ngoài đã vượt ngưỡng, có độ rủi ro cao. Bộ trưởng làm rõ và cho biết trách nhiệm này thuộc về ai?
Bộ trưởng Dũng cho biết, trong kế hoạch đầu tư công 2triệu tỷ đồng thì có 300.000 tỷ đồng vay từ nước ngoài. Nhưng đến thời điểm hiện nay số ký thêm sau thời điểm lập kế hoạch khoảng 4,1 tỷ cộng với khoảng 10 tỷ nữa thì đang có chủ trương đàm phán và sẽ ký kết.
Như vậy, nếu triển khai số này trong giai đoạn 2016-2020 giải ngân tiếp thì khả năng sẽ vượt 300.000 tỷ, nên việc này Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tổng hợp lại báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách chúng ta sẽ xử lý, ông Dũng nêu rõ.
Theo “tư lệnh” ngành tài chính, tinh thần chung là vẫn còn dư địa của ODA giai đoạn trước ngày 1/7/2017 chuyển sang để tập trung vào việc này. Trong Luật Ngân sách đã có việc cho ngân sách địa phương được bội chi nên Bộ Tài chính chuyển mạnh hướng vay về cho vay lại, các địa phương sẽ vay lại.
Chính phủ đã có nghị định về vấn đề này theo từng mức, từng địa phương. Như chúng ta đang bàn cơ chế đặc thù cho TP HCM là đẩy mức vay của thành phố lên 90% tổng số thu cân đối, ông Dũng giải đáp.