Trong dòng thông điệp trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông vừa có cuộc điện đàm tốt đẹp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh bên lề G-20 vào cuối tháng này tại Nhật Bản. Cùng với đó, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã được nối lại sau một thời gian dài gián đoạn.
Thông tin này khiến các ngành công nghiệp được coi là nhạy cảm với vấn đề thương mại của Mỹ tăng 1,62% trong khi các cổ phiếu công nghệ tăng 1,79%. Đây là mức tăng lớn nhất của chứng khoán Mỹ trong thời gian gần đây. Các công ty kinh doanh chip, vốn có nguồn doanh thu khá lớn từ Trung Quốc, đã dẫn đầu cuộc bùng nổ trên thị trường chứng khoán Mỹ với mức tăng trung bình lên tới 4%.
Tính đến 22h07 theo giờ Hà Nội, S&P 500 đã tăng 39,81 điểm, tương đương 1,38%. NASDAQ tăng 160,01 điểm, tương đương 2,14% trong khi Dow Jones tăng 395,06 điểm, tương đương 1,51%. Ở chiều ngược lại, S&P 500 VIX, chỉ số đo nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư, đã giảm 0,34 điểm, tương đương 2,08%.
Michael Geraghty, chuyên gia về chứng khoán tại Cornerstone Capital Group, nhận định: "Chắc chắn, có những nền tảng cho sự lạc quan. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng có nhiều cuộc đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đổ vỡ ngay cả khi người ta nghĩ nó đã gần sát vạch đích". Một sự kiện tương tự vừa xảy ra vào tháng trước, khiến cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đột ngột leo thang.
Một thông tin khác tiếp tục mang đến sự hứng khởi cho chứng khoán Mỹ là việc Cục dự trữ Liên bang (FED) dự kiến sẽ giữ nguyên mức lãi suất trong cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, bắt đầu vào ngày 18/6. Cuộc họp còn được xem là nền tảng cho việc FED cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay sau nhiều lần tăng mạnh vài năm qua.
Tuyên bố của FED vào lúc 14h ngày 19/6 theo giờ Mỹ có thể sẽ cung cấp những thông tin sâu rộng về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới nền kinh tế Mỹ cũng như chính sách tỷ giá, tiền tệ.
Hy vọng từ việc FED giảm lãi suất đã giúp S&P 500 tăng 5% trong tháng này, chỉ còn cách mức đỉnh cao nhất mọi thời đại được xác lập vào tháng 5 vừa qua khoảng 1%.
Steven Skancke, cố vấn kinh tế trưởng của Keel Point ở Washington, cho biết: "Việc cắt giảm lãi suất trong tuần này là không cần thiết. Tuy nhiên, mọi ánh mắt đang đổ dồn về cái mà Chủ tịch FED gọi là triển vọng và những gì ông ấy gợi ý có thể xảy ra sau đó. Đa số tin rằng FED sẽ giảm lãi suất vào tháng 9 nhưng mọi người đang tìm kiếm chút thông tin vì đó về một sự bất ngờ trong cuộc họp tiếp theo của FED vào cuối tháng 7".