Năm 2023 vừa qua, xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam đạt hơn 5,6 tỷ USD và thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, dự kiến năm nay xuất khẩu rau củ quả sẽ đạt trên 6 tỷ USD.
Vùng ĐBSCL là nơi xuất khẩu nông sản lớn của cả nước. Hiện vùng đang đóng góp lớn vào xuất khẩu trái cây của Việt Nam, với nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, xoài, bưởi, nhãn, vú sữa và nhiều loại cây ăn trái khác đã xuất sang thị trường Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.
Theo Bộ NN-PTNT, diện tích cây ăn trái ở khu vực ĐBSCL khoảng 370.000 ha với nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, được quy hoạch thành vùng chuyên canh, gắn kết người dân với hợp tác xã, doanh nghiệp trong tiêu thụ, xuất khẩu . Tuy nhiên, theo đánh giá, vùng ĐBSCL vựa trái cây của cả nước vẫn chưa phát huy được lợi thế, khi diện tích canh tác vẫn manh mún, nhỏ lẻ, liên kết chưa chặt chẽ nên khó có thể tạo dựng thương hiệu bền vững.
Hiện trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu sang 60 thị trường và vùng lãnh thổ. Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu II - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), để những lô hàng xuất khẩu vào các thị trường thì người dân, doanh nghiệp cần phải đặc biệt quan tâm đến các yêu cầu của từng thị trường để lô hàng xuất khẩu thuận tiện.
Trong đó, từng thị trường nhập khẩu đưa ra các quy định riêng từ vệ sinh an toàn thực phẩm đến kiểm dịch thực phẩm trong lô hàng xuất khẩu . Vì vậy khi xuất khẩu doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ quy định.
“Yêu cầu nhập khẩu trái cây từ các quốc gia cần phải phân ra thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất chỉ yêu cầu cơ bản, trái cây không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật và không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Còn nhóm thứ hai yêu cầu khó hơn, thuộc nhóm thị trường các nước khó tính hay những nước có yêu cầu chất lượng cao như thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… những thị trường đó lại có yêu cầu kiểm dịch thực vật”, bà Hiền nêu.