Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM cho biết, trong năm 2017, đơn vị này đã tổ chức lấy 52 mẫu test nhanh tồn dư thuốc BVTV các sản phẩm có tiềm năng đạt giải tại hội thi nêu trên.
Kết quả, có 3 mẫu bị phát hiện có dư lượng vượt mức cho phép. Đối với những mẫu không đạt chuẩn này, Ban tổ chức chương trình đã loại khỏi danh sách xét trao giải.
Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết, đã có 3 mẫu trái cây dự thi "trái ngon an toàn" có dư lượng thuốc sâu
Báo cáo kết quả hoạt động Ban Quản lý ATTP TP.HCM năm 2017, bà Lan còn cho biết, đơn vị này cũng đã tổ chức lấy mẫu 19 mẫu bánh trung thu, gồm các sản phẩm kinh doanh trên mạng và đường phố, để phân tích các chỉ tiêu vi sinh nhằm kiểm soát mối nguy ATTP.
Kết quả phân tích đã phát hiện 4/19 mẫu bánh trung thu không đạt các yêu cầu về chỉ tiêu vi sinh, chiếm tỷ lệ hơn 21%.
Ngoài việc lấy mẫu kiểm tra, cũng trong năm 2017, đã có hơn 1.500 cuộc điện thoại của người dân, doanh nghiệp, liên quan đến việc giải quyết các vấn đề về ATTP được Ban Quản lý ATTP TP.HCM tiếp nhận, xử lý.
Hay như để giải quyết tình trạng các cơ sở không phép tồn tại nhiều năm, Ban đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các quận, huyện, một số trường hợp đã linh động giải quyết hồ sơ tập trung và tại chỗ như Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức…
Bà Lan cho rằng, mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã giúp nâng tầm công tác quản lý ATTP, thống nhất một đầu mối thực hiện từ các thủ tục hành chính, từng bị phân cấp từ Sở NNPTNT, Sở Y tế và Sở Công thương như trước đây.
Tuy nhiên, Ban cũng gặp một số khó khăn về áp lực thời gian, nhất là đối với việc hợp nhất 3 lĩnh vực cấp phép, nhân sự thiếu và không đồng đều, cơ sở chật hẹp khó khăn cho người dân khi đến làm thủ tục.