Ông Hải dẫn chứng, có đến 64% rau quả tại Thái Lan không an toàn do tồn dư thuốc trừ sâu, trong đó có nhiều sản phẩm được tiêu thụ tại thủ đô BangKok, Chiang Mai và Ratchathani.
Mới đây, báo chí Thái Lan cũng phản ánh, 11 chất cấm đã được tìm thấy trong các mẫu rau quả như ớt, đậu đũa, cải thảo, rau muống, cà chua và dưa chuột. Không chỉ vậy, 100% các mẫu cam, ôi có hóa chất vượt ngưỡng cho phép, thanh long, đu đủ, xoài Thá cũng bị phát hiện vượt ngưỡng trên 50%.
Thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2017, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả lập kỷ lục mới khi ước đạt giá trị kim ngạch hơn 3,5 tỷ USD, ước tăng hơn 43% so với cùng kỳ 2016.
Các chuyên gia cho rằng, trái cây nhập khẩu chưa chắc an toàn. Trong ảnh: Táo nhập khẩu bày bán tại siêu thị.
Tuy nhiên, số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho thấy nước ta đã chi gần 1,6 tỉ USD để nhập khẩu rau quả trong năm nay, tăng hơn 68% so với cùng kỳ 2016. Thái Lan là nước Việt Nam nhập rau quả nhiều nhất, với gần 793,9 triệu USD trong 11 tháng đầu năm. Đứng sau đó là Trung Quốc với giá trị rau củ quả nhập khẩu từ thị trường này vào Việt Nam đạt hơn 262,4 triệu USD.
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đánh giá, nhu cầu tiêu dùng trái cây nhập khẩu, trái cây lạ, đặc sản gia tăng, cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng trái cây tươi an toàn, hữu cơ (organic), giá trị dinh dưỡng cao kèm những sản phẩm thực phẩm chức năng… cũng ngày càng tăng cao.
Trong khi đó, một số sản phẩm trái cây ôn đới Việt Nam không thể sản xuất nên phải chấp nhận nhập khẩu như đào, lê, táo… Tuy nhiên, định hướng của ngành trồng trọt là giảm dần lượng nhập khẩu các sản phẩm có thể sản xuất trong nước.
Ông Siebe van Wijk, chuyên gia nông nghiệp của Công ty Freshstudio, cho rằng, Việt Nam đang cố gắng từng ngày để xuất khẩu trái cây vào các nước như ở châu Âu, châu Mỹ xa xôi nhưng lại phải nhập khẩu rất nhiều trái cây từ các nước láng giềng.
Việt Nam đặt mục tiêu giảm dần lượng nhập khẩu các loại trái cây có thể sản xuất trong nước. Ảnh: Infonet
Ví dụ như, Việt Nam chỉ được phép xuất khẩu sang Thái Lan các loại trái cây gồm thanh long, nhãn và vải. Trong khi đó, Thái Lan xuất khẩu hơn 20 loại trái cây khác nhau sang Việt Nam. Ông Wijk cho rằng, đây là một vấn đề cần lưu tâm trong hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam trong những năm tới.
Trước tình trạng này, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng bình quân trên 20%/năm, phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt trên 4,5 tỷ USD, tức tăng hơn 80% so năm 2016. Trong đó sản phẩm quả chiếm hơn 3,6 tỷ USD. Dự kiến năm 2030, xuất khẩu rau quả đạt trên 7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu quả các loại trên 6 tỷ USD, giữ vững cán cân thương mại giữa xuất và nhập trên 1,5 tỷ USD.