NH bị thiệt hại vì mất tiền. Thế nhưng, mất mát lớn nhất của NH là con người, uy tín bị tổn thương, giá trị vốn hóa cổ phiếu vơi đi hàng ngàn tỉ đồng… Biết là thiệt hại rất lớn nhưng tại sao NH phải chờ phán quyết của tòa án mới trả lại tiền cho khách hàng? Còn người gửi tiền vẫn đang giữ sổ tiết kiệm nhưng vẫn chưa khởi kiện NH để sớm đòi lại tiền. Vì sao?
Lãnh đạo Eximbank cho rằng vụ mất tiền có yếu tố tội phạm nên về nguyên tắc phải chờ tòa án phân xử. Trong khi đó, cơ quan công an tiếp tục điều tra vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", truy nã Lê Nguyễn Hưng - phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP HCM (đã bỏ trốn) và không biết khi nào mới bắt được người này để tòa án đưa ra xét xử.
NH đưa ra thông tin cho thấy người gửi tiền đã chuyển hơn 190 tỉ đồng đến 2 NH khác. Danh tính và các thông người nhận số tiền này cũng là danh tính của người gửi tiền. Từ đó, dư luận hoài nghi người gửi tiền có thực sự bị mất hàng trăm tỉ đồng không?
Còn việc khách hàng đang giữ số tiết kiệm thì NH cho biết được thực hiện theo một văn bản thỏa thuận giữa hai bên khiến dư luận không khỏi thắc mắc.
Thực tế cho thấy khi khách hàng rút tiền, NH đều lưu trữ chứng từ giao dịch, ghi nhận thông tin trên hệ thống điện tử. Các chứng từ và thông tin lưu trữ này sẽ cho thấy ai là người thực hiện giao dịch, tiền được chuyển đến địa chỉ nào và ai là người nhận tiền. Với những thông tin này, NH có thể cung cấp cho cơ quan điều tra theo đúng quy định pháp luật. Từ đó, các cơ quan chức năng có thêm cơ sở để cân nhắc đưa ra kết luận, phán quyết công bằng cho các bên liên quan.
Thông thường, đối với khách hàng có số tiền gửi lớn, một số NH cho phép lãnh đạo linh hoạt các thủ tục giao dịch rút - gửi tiền. Vì thế, trong vụ khách hàng bị mất hàng trăm tỉ đồng, chưa ai biết được liệu Lê Nguyễn Hưng có ra lệnh nhân viên của mình xác nhận giao dịch rút tiền khi không có khách hàng hay không? Nếu có thì với vị thế cấp dưới, nhân viên NH phải điện thoại khách hàng để kiểm tra lần cuối. Giả dụ rằng chẳng may, khách hàng này làm "chảnh" nói đã giao "nhiệm vụ" cho vị phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP HCM khiến nhân viên tuyệt đối tin tưởng, quyết định xác nhận giao dịch rút tiền dẫn đến tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc. Có lẽ đây là một trong những yếu tố làm cho nhiều người bật khóc khi chứng kiến 2 nữ nhân viên của NH này bị cơ quan công an bắt tạm giam vào ngày 26-3, lý do được cho là giúp đỡ phó giám đốc chi nhánh thực hiện hành vi lừa đảo.
Tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động, chồng của 1 trong 2 nữ nhân viên bị tạm giam cho biết lãnh đạo cấp cao Eximbank hứa sẽ thuê luật sư tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho 3 nhân viên bị khởi tố, đồng thời tiến hành các thủ tục bảo lãnh cho 2 nhân viên được tại ngoại, phục vụ công tác điều tra.