Là trang trại nằm trong chuỗi liên kết xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, vừa mở thêm một trang trại mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường này. Thế nhưng dù trang trại mới được đầu tư quy mô lớn, công nghệ chăn nuôi hiện đại nhưng phía đối tác Nhật Bản sau khi sang tận nơi kiểm tra đã lắc đầu chê.
Vạ lây vì các trại quá gần nhau
Đại diện đối tác Nhật Bản cho hay: Trang trại mới của ông Ngọc đáp ứng tất cả tiêu chuẩn, quy trình chăn nuôi hiện đại nhưng lại nằm sát một trại nuôi vịt quy mô chỉ vài ngàn con. Khoảng cách hai trại quá gần sẽ khiến nguy cơ nhiễm dịch bệnh lây lan từ trại này sang trại kia rất cao. Kể cả trại gà được nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalG.A.P vẫn không thể phòng, chống được dịch bệnh từ trại vịt. Ngoài ra, nguồn dịch bệnh từ chất thải của trại vịt sẽ ảnh hưởng đến môi trường chăn nuôi gà, không đảm bảo tiêu chuẩn xuất sang Nhật Bản.
Hiện trạng trên đang phổ biến tại nhiều địa phương khi các trang trại quy mô công nghiệp thường nằm gần nhau, sát với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Điều này gây khó khăn cho việc chăn nuôi theo tiêu chuẩn nước nhập khẩu, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.
Các trang trại trồng trọt cũng lâm vào tình trạng tương tự. TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam , cho biết nhiều trang trại rau quả đã phản ánh tình trạng thuốc bảo vệ thực vật có chứa hóa chất bị cấm sử dụng được phun ở nông trường bên cạnh phát tán sang, bám dính vào nông sản của họ.
“Nhiều nông trường rau quả đang sử dụng thuốc nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalG.A.P cho rau và hoa quả để xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Thế nhưng nông trường trồng hoa bên cạnh lại dùng thuốc bảo vệ thực vật tác dụng mạnh đã ảnh hưởng xấu tới sản phẩm của họ (do quy định thuốc nông nghiệp dùng cho thực vật có hoa nới lỏng hơn so với rau và hoa quả). Không chỉ vậy, một số loài côn trùng kháng thuốc nông nghiệp tác dụng mạnh từ nông trường trồng hoa đã thâm nhập sang nông trường rau quả. Kết cục rau quả của trang trại không đạt tiêu chuẩn” - TS Võ Mai cho hay.
Các trang trại chăn nuôi cần cách xa nhau để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Ảnh: Q.HUY
Cần áp dụng tiêu chuẩn quốc tế
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, đánh giá trình độ chăn nuôi, công nghệ chế biến, giết mổ của nước ta đều theo kịp các nước có ngành chăn nuôi hiện đại trên thế giới. Nhưng chỉ có một lý do duy nhất cản trở Việt Nam xuất khẩu mạnh các loại thịt gia cầm, gia súc đó là không đảm bảo vùng kiểm soát dịch bệnh.
Trang thiết bị, dụng cụ dùng để giết mổ, thu gom gia súc, gia cầm của các cơ sở giết mổ hiện nay chính là nguồn lây lan dịch bệnh. Một số sản phẩm sử dụng trong quá trình thu gom gia cầm trước khi giết mổ như lồng nhựa, thùng xe… cũng chưa được quy định phải đảm bảo vệ sinh, khử trùng sạch sẽ sau khi dùng. Do đó, trong quy định về giết mổ cần bổ sung khu vực vệ sinh lồng gà, nhúng qua nước 80 độ C… để khử trùng, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho trại chăn nuôi.
Ông NGUYỄN VĂN NGỌC, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ
Theo ông Ngọc, các trang trại chăn nuôi nước ta đang phát triển sai hướng khi hình thành nên các cụm, điểm chăn nuôi tập trung, nằm gần nhau. Bởi điều đó tiềm ẩn những rủi ro dịch bệnh rất lớn, dễ bị các nhà nhập khẩu đánh giá là không đáp ứng vùng an toàn dịch bệnh.
Ở các nước châu Âu, quy định khoảng cách giữa các trang trại chăn nuôi phải từ 3 km trở lên. Vì vậy, ông Ngọc cho rằng việc quy hoạch vùng chăn nuôi, đưa trang trại chăn nuôi tập trung về một chỗ như chúng ta đang làm là không phù hợp, đi ngược hoàn toàn xu thế của thế giới. Các nước lớn đều lựa chọn những vùng đất phù hợp về điều kiện tự nhiên và thuận lợi trong khâu xử lý môi trường để lập trang trại chăn nuôi, chứ không quy hoạch chăn nuôi tập trung một nơi.
“Nông sản Việt đều hướng tới xuất khẩu nên cần áp dụng tiêu chuẩn quốc tế của các thị trường nhập khẩu. Sản phẩm chăn nuôi của Thái Lan xuất khẩu được khắp nơi vì họ chăn nuôi có khoảng cách, trại này cách trại kia 1-3 km. Khi trại này bị bệnh thì cũng không ảnh hưởng tới các trại gần đó. Chính nhờ vậy mà nước này ít bị dịch bệnh gia súc, gia cầm, đáp ứng yêu cầu thị trường” - ông Ngọc nêu ví dụ.
Đối với các trang trại trồng trọt, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết hiện tại Việt Nam đã triển khai tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalG.A.P) ở nhiều vùng trồng nông sản. Tuy nhiên, thực trạng các vùng trồng sử dụng thuốc nông nghiệp nhiều, phát tán ra môi trường, sử dụng hóa chất cấm vẫn xảy ra. Cơ quan quản lý sẽ tăng cường kiểm soát chặt các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cấm trong nông nghiệp.