Anh Trương Văn Quynh là người tiên phong và thành công trong việc nuôi giống gà Mông đen bản địa quy mô hàng hóa ở xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Những ngày này trên cao nguyên đá trời rét cắt da cắt thịt, nhưng mới sáng sớm, chàng nông dân người Nùng với dáng người nhỏ bé Trương Văn Quynh đã tất bật bán cám và tư vấn kỹ thuật nuôi lợn, gà cho bà con trong vùng. Nở nụ cười đón khách, anh Quynh vui vẻ nói: “Mình vất vả, lăn lội từ bé, thấu hiểu khó khăn khổ cực nên giúp được gì cho bà con thì làm thôi...”.
Chàng trai cao nguyên đá Đồng Văn- Trương Văn Quynh cho biết, giống gà Mông đen bản địa có sức đề kháng, chịu nóng, chịu lạnh rất tốt.
Mồ côi cha khi mới 2 tháng tuổi, mẹ bỏ đi bước nữa khi anh Quynh mới chập chững biết đi. Từ đó, anh Quynh sống với bà nội. Hai bà cháu một già một thơ dại rau cháo lần hồi nuôi nhau, khốn khó vô cùng.
Cuộc sống khốn khó, nhưng Quynh rất thông minh, sáng dạ và ham học. Hàng ngày cứ một buổi đi học, buổi còn lại Quynh đi làm thuê. Đến năm lớp 9, thương hoàn cảnh Quynh khó khăn, cô giáo dạy Quynh đã nhận anh làm con nuôi. Học hết cấp 2, cấp 3 rồi năm 2008, Quynh thi đỗ vào trường Cao đẳng Nghề điện ở Hà Nội. Song song với học nghề điện, Quynh còn học thêm Trung cấp chăn nuôi thú y.
Gà đen có mào cờ đứng, màu đen hoặc màu xanh tím, da có màu đen nhạt, thịt đen, xương đen và phủ tạng đen.
“Mình rất đam mê chăn nuôi. Tuổi thơ của mình gắn bó với đàn gà, con lợn, con trâu. Nhờ nuôi chúng mà mình có tiền ăn học. Tuy nhiên ở xã mình, tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu nên không chú trọng đến kỹ thuật chăn nuôi mà thiên về kinh nghiệm là nhiều. Bên cạnh đó, mỗi khi con trâu, con lợn, đàn gà ốm muốn tìm bác sĩ thú y cũng rất khó. Thấy bà con cực quá, thương mình, thương bà con, mình đi học thêm chăn ngành nuôi thú y. Không ngờ nghề tay trái lại mang đến thu nhập chính cho gia đình mình sau này...”.
Năm 2012 tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề điện, chật vật mãi nhưng Quynh vẫn không xin được việc. Trong thời gian ở nhà, Quynh nhận thấy nhu cầu mua thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm của bà con rất lớn. “Thấy mọi người mua cám, thức ăn cho gà, lợn…phải xuống tận thành phố Hà Giang cách hơn 40 km, tôi nghĩ sao mình không làm công việc này nhỉ? Thế là từ đó, tập tành kinh doanh thức ăn chăn nuôi...”, anh Quynh bộc bạch.
Chàng trai người Nùng mồ côi cha Trương Văn Quynh cho biết, gà Mông đen bản địa trưởng thành có tầm vóc trung bình, gà trống trọng lượng từ 2 - 2,5 kg/con, gà mái trung bình từ 1,6 – 2 kg/con.
Lúc đầu có ít vốn Quynh chỉ cất dăm ba bao cám về bán. Vốn được học nghề thú y nên mua cám của Quynh bà con không chỉ đỡ công đi lại, giá bán phải chăng mà còn được tư vấn tận tình kĩ thuật chăm sóc, phòng chữa bệnh cho đàn lợn, đàn gà sao cho lớn nhanh, khỏe mạnh. Được sự tín nhiệm của bà con dần dà, Quynh mở rộng mặt bằng kinh doanh ở thị trấn Tam Sơn (huyện Quản Bạ).
Trò chuyện với chàng trai cao nguyên đá Trương Văn Quynh chúng tôi thấy ở anh sự nhiệt huyết, đam mê với chăn nuôi, và nhạy bén với thị trường. Làm kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, tìm hiểu thị trường Quynh thấy con lợn đen, con gà đen bản địa của bà con ở vùng cao nguyên đá này rất có giá, ăn thịt thơm ngon mà không ai để ý. Thế là năm 2013, sẵn diện tích đất của gia đình có 1,2 ha, Quynh đầu tư trồng 600 cây hồng, nuôi lợn đen và gà Mông đen bản địa.
Theo anh Quynh, nhắc đến giống gà xương đen của người Mông, mọi người xa gần đều biết về những ưu điểm của loại gà đặc sản này. Thế nhưng để phát triển chăn nuôi giống gà này thành quy mô hàng hóa ở vùng cao nguyên đá thì khó lại càng thêm khó bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Bình thường, các hộ ở đây chỉ nuôi rải rác vài con tới vài chục con để phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình.
Mặc dù được học về thú y, biết cách làm chuồng trại và chăm sóc đàn gà Mông đen bản địa nhưng anh vẫn vấp phải khó khăn. Giống gà địa phương rất khó nhân giống bởi điều kiện môi trường sống ở cao nguyên đá nên gà đẻ thưa, khó ấp trứng thành con.
Theo anh Quynh, mỗi lứa, gà mẹ chỉ đẻ từ 10 – 12 quả trứng. Đẻ được quả trứng nào, anh Quynh gom cất cẩn thận rồi cho ấp. Khi gà con mới nở, để tránh tổn thất anh Quynh nuôi úm gà. Anh Quynh cho biết, giai đoạn này, sức đề kháng của gà còn yếu nên dễ mắc dịch bệnh. Gà con cần phải được sưởi ấm để cung cấp nhiệt, người nuôi có thể dùng bóng điện tuỳ theo số lượng gà con mà bố trí hệ thống sưởi cho hợp lý và hiệu quả. Bên cạnh đó, anh Quynh còn chú ý đến vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ cho đàn gà, nhất là về bệnh Newcatson.
“Quynh có công, gà chẳng phụ”, đến nay đàn gà bố mẹ phát triển lên hơn 150 gà mái và hơn 30 gà trống Mông đen bản địa. Trứng gà Mông đen đẻ ra đến đâu, anh Quynh không ăn hay bán mà gom lại bỏ vào máy ấp trứng để sản xuất con giống.
“Hiện nay, gà Mông đen bản địa được ưa chuộng và mua với giá cao khoảng 120.000 – 140.000 đồng/kg. Đặc biệt gần đến Tết Nguyên đán giá gà Mông đen còn cao hơn nữa. Nuôi thành công thì xuất lứa gà nào các nhà hàng cũng đều mua hết, một phần còn vì người dân ở đây nuôi gà hàng hóa không nhiều nữa”, anh Quynh phấn khởi nói.
Theo Trương Văn Quynh, thịt gà Mông đen bản địa thơm, ngon ngọt tự nhiên nên rất được ưa chuộng và mua với giá cao khoảng 120.000 – 140.000 đồng/kg. Đặc biệt gần đến Tết Nguyên đán giá gà Mông đen còn cao hơn nữa.
Hiện mỗi năm, anh Trương Văn Quynh nuôi khoảng 2.000 gà Mông đen thương phẩm. Do chủ động được con giống; chi phí thức ăn mua cám, ngô, lúa thấp nên bình quân cứ mỗi lứa nuôi 500 con gà Mông đen anh Quynh xuất bán 1 tấn gà thương phẩm thu về hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí còn thu lãi hơn 50 triệu đồng/lứa nuôi.
Ngoài nuôi gà Mông đen bản địa, anh Quynh còn có thu nhập không nhỏ từ chăn nuôi 10 lợn nái đen, 50 lợn thịt đen thương phẩm, 8 lợn nái siêu nạc và 40 lợn siêu nạc thương phẩm và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Mới đây, Quynh còn tậu được xe hơi cả gần 1 tỷ bạc.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, Quynh còn giúp đỡ các hộ hội viên nghèo bằng việc đầu tư thức ăn chăn nuôi trả chậm, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn...Từ năm 2013 đến nay, anh Quynh đã giúp hàng chục hộ nông dân trong vùng thoát nghèo bền vững...