Bộ Tài chính vừa công bố thông tin thực hiện chương trình công tác tháng 2. Trong đó, việc đấu thầu trái phiếu Chính phủ và thị trường bảo hiểm là một trong những hoạt động nhộn nhịp nhất.
Với trái phiếu Chính phủ , tổng lượng phát hành tháng 2 đạt 36,5 nghìn tỷ đồng. Khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ cũng khá thành công khi con số đấu thầu thành công lên tới 34,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Bảo hiểm xã hội mua 20,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 30% tổng khối lượng phát hành). Nhà đầu tư khác mua 47 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% khối lượng phát hành.
Tính trung bình, trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn phát hành 12 năm, lãi suất phát hành 4,37%/năm. Dự kiến, trong năm 2023, khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành khoảng 400 nghìn tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu Chính phủ sôi động trong tháng 2/2023 (ảnh minh họa).
Bên cạnh sự sôi động của trái phiếu Chính phủ, trong “cơn sốt” tiền gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm nhân thọ, người dân phản ánh bị “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng, thị trường bảo hiểm vẫn tăng trưởng mạnh. Cụ thể, tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 833 nghìn tỷ đồng, tăng 14,86% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 691,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,38% so với cùng kỳ năm trước). Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 530 nghìn tỷ đồng, tăng 14,09% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu phí bảo hiểm 35,4 nghìn tỷ đồng. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,13% so với cùng kỳ năm trước.
Để giải quyết “lùm xùm” trên thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tiến hành thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý và chuyển đơn tố cáo của người dân tới cơ quan điều tra của Bộ Công an.