Tính đến hết tháng 9/2018, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Việt Nam là 79.515 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2015 là 43.500 tỷ đồng, và tăng 32% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 1,48% GDP. Những con số trên cho thấy, quy mô và số lượng trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam không ngừng được mở rộng hàng năm. Sự gia tăng này cũng thể hiện tính tất yếu phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Giới chuyên gia kinh tế dự báo, thị trường TPDN sẽ bùng nổ trong thời gian tới và hoạt động phát hành TPDN ra thị trường quốc tế cũng sẽ sôi động hơn.
Doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội khi phát hành trái phiếu. (Ảnh minh họa: KT)
|
Một điểm đáng chú ý, mới đây, nhằm thúc đẩy thị trường TPDN nói chung và hoạt động phát hành TPDN ra thị trường quốc tế nói riêng, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành TPDN thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 nhằm tạo dựng khuôn khổ pháp lý mới cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Theo quy định mới, doanh nghiệp sẽ được phép phát hành trái phiếu thành nhiều đợt để huy động vốn, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đầu tư... Doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu cũng không bắt buộc phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành như quy định trước đây. Nghị định mới này được cho là "cởi trói" cho doanh nghiệp bằng việc nới lỏng các điều kiện phát hành trái phiếu.
Với tiềm năng thị trường sẵn có cùng với độ mở, sự thuận lợi về chính sách, là những dấu hiệu khả quan để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển và bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nói về những “cái được” khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp, TS. LS Bùi Quang Tín-Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho hay, phát hành trái phiếu doanh nghiệp có nhiều cái lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bởi từ trước tới nay, trên 70% vốn trung chuyển của nền kinh tế tập trung trên “đôi vai” ngân hàng. Trong khi chủ yếu nguồn vốn của ngân hàng là dòng vốn ngắn hạn. Nếu các doanh nghiệp huy động vốn từ hệ thống ngân hàng thì chỉ là dòng vốn ngắn hạn chứ không thể đáp ứng cho nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp được. Nếu có thì cũng chỉ là đáp ứng tạm thời chứ không phải là dòng vốn bền vững. Cho nên, các doanh nghiệp thay vì huy động vốn từ hệ thống ngân hàng thì họ nên phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, nếu phát hành thành công, lãi suất từ nguồn trái phiếu doanh nghiệp sẽ rẻ hơn so với việc vay vốn từ hệ thống ngân hàng. Đơn cử, thời điểm hiện tại, vốn có nguồn từ phát hành trái phiếu, doanh nghiệp chỉ chịu lãi khoảng từ 9,5%-10%/năm, trong khi đó nếu vay vốn ngân hàng thì lãi suất từ 10-12%/năm. Ngoài ra, phát hành trái phiếu thì trình tự, thủ tục đơn giản hơn, không phải thẩm định kỹ lưỡng thông tin của doanh nghiệp, còn vay vốn ngân hàng thì phải thẩm định toàn bộ hồ sơ, mất khá nhiều thời gian.
Ông Tín cho rằng, khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phát hành cần cung cấp thông tin về dịch vụ, sản phẩm trái phiếu của doanh nghiệp rõ ràng, đầy đủ cho cho người mua trái phiếu.
“Doanh nghiệp cần tuân thủ theo đúng nghị định 163, sửa đổi bổ sung cho nghị định 90/2011-2014 của Chính phủ. Có nhiều quy định trong Nghị định mới, yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần tuân thủ theo đúng quy định của Chính phủ trong vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần hỗ trợ, cùng với Nhà nước, các doanh nghiệp khác tạo ra một thị trường thứ cấp về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp để trái phiếu phát hành đảm bảo có tính thanh khoản cao. Có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư, người mua trái phiếu”, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín đưa ra lời khuyên./.