Trái phiếu doanh nghiệp đang bị 'siết' như thế nào?

05/12/2021 07:48
Hàng loạt các thông tư, nghị định đã ra đời năm 2020 nhằm hạ nhiệt thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt TPDN phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, thị trường này vẫn tiếp tục tăng trưởng nóng trong năm 2021.

Báo cáo của SSI mới đây cho biết, 11 tháng đầu năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp với trên 495.000 tỷ đồng TPDN phát hành thành công. Trong đó khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, còn lại là TPDN phát hành ra công chúng với tỷ lệ 5,5%.

Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là hai nhóm phát hành lớn nhất trên thị trường, chiếm lần lượt 34% và 27,7% tổng khối lượng phát hành, còn lại là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, sản xuất và công ty chứng khoán.

Các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, tỷ trọng mua TPDN riêng lẻ của nhà đầu tư cá nhân giảm so với năm 2020.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong số các TPDN phát hành riêng lẻ các tháng đầu năm 2021, TPDN có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%, trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1%. Tuy nhiên, dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng cho hay có trường hợp doanh nghiệp phát hành TPDN với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm. Đặc biệt đối với nhóm bất động sản, trong số hơn 100 doanh nghiệp bất động sản phát hành TPDN riêng lẻ trong năm 2021 có 26 doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tại thời điểm 30/6/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu bình quân của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết là 2,5 lần, trong khi tỷ lệ này của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết là 8,1 lần.

Trước thực trạng rủi ro của thị trường TPDN tăng cao, ngày 3/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện yêu cầu Bộ Tài chính thanh, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2021;

Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng;

Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Cùng ngày 3/12, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Uỷ ban Chứng khoán kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong bối cảnh hoạt động phát hành TPDN không có tài sản bảo đảm tăng nhanh và nóng. Yều cầu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đẩy nhanh việc ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch TPDN riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo trách nhiệm được giao tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Ba tháng 2 Nghị định về 'siết' TPDN phát hành riêng lẻ

Ngày 17/9/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường TPDN xuất hiện hiện tượng chào bán, phân phối, chuyển quyền sở hữu chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn của thị trường này, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định tại Nghị 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế trong việc thực hiện dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu; dịch vụ xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu; dịch vụ đăng ký, lưu ký và chuyển nhượng trái phiếu.

Yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được đưa ra trong bối cảnh, Bộ Tài chính liên tục ra các văn bản, công văn cảnh báo về rủi ro của thị trường TPDN, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ gửi tới nhà đầu tư và các công ty chứng khoán.

Năm 2020, chỉ trong vòng 3 tháng Chính phủ đã phải ban hành 2 Nghị định để "siết" lại hoạt động thị trường TPDN phát hành riêng lẻ.

Cụ thể, ngày 9/7/2020, Chỉnh phủ ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020 theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn nhằm lành mạnh hóa, kiểm soát rủi ro thị trường, đặc biệt với loại hình TPDN phát hành riêng lẻ.

Nghị định 163 ban hành cuối năm 2018 đã tạo bước phát triển đột phá cho chị trường này vào năm 2019. Tuy nhiên, sự tham gia nhanh chóng của các nhà đầu tư cá nhân (bao gồm cả những nhà đầu tư không có năng lực phân tích, đánh giá mà chỉ quan tâm đến lãi suất) dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và tính ổn định của thị trường.

Không những vậy, trên thị trường TPDN riêng lẻ cũng đã xuất hiện những méo mó khi có hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, liên tục huy động thông qua chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và tăng mức lãi suất để thu hút nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.

Tuy nhiên, bản thân Nghị định 81 sau 3 tháng có hiệu lực đã bộc lộ những điểm yếu, đến ngày 31/12/2020, Chính phủ đã ban hành tiếp Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để siết lại hoạt động này với các quy định rõ ràng, cụ thể về chế độ báo cáo, điều kiện phát hành TPDN.

Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ chỉ được giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp phát hành TPDN phải đáp ứng được các điều kiện: Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền phải thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn;

Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành; Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định; Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.

Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.

Mới đây, ngày 19/11, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 16/2021 quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với quy định, TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua TPDN.

Doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các TCTD cũng không được bán TPDN cho công ty con của chính TCTD đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán TPDN cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

Ba trường hợp TCTD không được mua TPDN gồm: Có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Quy định trên được coi là một trong những động thái để siết lại việc mua TPDN, đặc biệt là DN bất động sản của các NHTM hiện nay.

Tin mới

Honda Wave 125i 2025 ra mắt: Thêm màu mới đẹp như SH, 'ăn' 1,4L/100km
33 phút trước
Mẫu xe máy số Honda Wave 125i đời năm 2025 vừa được ra mắt, bổ sung thêm màu sắc mới.
12 năm chỉ dùng Android, tôi tò mò dùng thử iPhone xem thế nào để rồi nhận ra Android vẫn là "đỉnh nhất"
34 phút trước
iPhone là thiết bị thú vị nhưng sử dụng điện thoại Android vẫn thoải mái nhất.
Suzuki XL7 Hybrid: Sở hữu xe gia đình chưa bao giờ dễ dàng như bây giờ
12 phút trước
Suzuki XL7 Hybrid vừa ra mắt đã nhanh chóng khẳng định vị thế trong phân khúc xe hybrid tại Việt Nam, đem đến sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ mới và hiệu suất hoạt động. Mẫu xe này liên tục nằm trong nhóm đầu doanh số xe hybrid, cho thấy mức độ phù hợp với số đông người tiêu dùng.
Vợ Shark Thái: Rất nhiều người bán kem trộn trên TikTok trộn tất cả sản phẩm với nhau không theo một công thức nào cả
12 phút trước
"Mỹ phẩm nào chả là kem trộn. Câu này đúng nhưng các bạn đừng để bị đánh tráo khái niệm. Một sản phẩm tốt được tạo nên bởi rất nhiều yếu tố", vợ Shark Thái cho biết.
Nhiều chuyến bay dịp Tết đã gần lấp đầy
1 phút trước
Các hãng hàng không khuyến cáo hành khách sớm đặt vé bay để có các mức giá ưu đãi.

Tin cùng chuyên mục

Một linh kiện xịn xò trên EV sẽ giảm một nửa, sắp phổ cập xuống cả xe giá 500 triệu: Thời của ô tô điện 'ngon bổ rẻ' đến thật rồi
3 giờ trước
Đây là thành phần quan trọng cho công nghệ ADAS trên các mẫu xe hiện đại.
Giá USD hôm nay 26/11: Đồng loạt giảm, tỷ giá "chợ đen" vẫn tăng
1 ngày trước
Giá USD hôm nay 26/11 trên thế giới và trong nước tiếp tục giảm. Tuy nhiên, giá USD ngân hàng bán vẫn sát giá trần được ngân hàng nhà nước cho phép. Trong khi đó, tỷ giá "chợ đen" tăng 90 đồng mỗi chiều.
App gọi xe nhỏ chật vật tìm đường sống
3 ngày trước
Dù nỗ lực bám trụ thị trường nhưng các ứng dụng gọi xe nhỏ lẻ vẫn khó có cơ hội bứt phá
Xe Trung Quốc ở Việt Nam lúc này: Dè dặt xe điện, chuyển hướng bán hybrid, xe xăng
23/11/2024 07:47
Trước hàng loạt thách thức ở thị trường Việt Nam, xe điện Trung Quốc dường như đã không bùng nổ như kỳ vọng, thậm chí có xu hướng "dè dặt" hơn trong việc ra mắt. Thay vào đó, các hãng lại tỏ ra ưu ái xe đốt trong hơn khi đã và sắp ra những mẫu mới sử dụng động cơ xăng hoặc hybrid.