Theo Bộ tài chính, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2018. Như vậy, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tương đương 10,2% GDP (so với GDP năm 2018), vượt mục tiêu 7% GDP vào năm 2020 mà Chính phủ đề ra (đạt 20% vào năm 2030).
Tuy nhiên, do điều kiện phát hành thông thoáng hơn trong bối cảnh vẫn sự thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín đã khiến cho việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn không ít rủi ro, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân.
Trái phiếu doanh nghiệp hướng đến nhà đầu tư cá nhân
Báo cáo mới đây của CTCP chứng khoán Quân đội (MBS) cho thấy, phần lớn trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường hiện được bán theo phương thức phát hành riêng lẻ với tỷ trọng từ 93-95%, do điều kiện phát hành thông thoáng hơn phát hành đại chúng.
MBS cũng cho biết, các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm là những trái chủ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu phát hành trái phiếu của doanh nghiệp do có tiềm lực về vốn, khả năng tiếp cận thông tin nhanh cũng như năng lực phân tích đầu tư chuyên nghiệp.
Mặc dù vậy, việc các đại lý phát hành chuyển hướng bán trái phiếu doanh nghiệp sang cho các nhà đầu tư cá nhân trong thời gian gần đây đã tạo ra những e ngại ban đầu về việc nhà đầu tư cá nhân có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận, thẩm định dự án và đánh giá thông tin doanh nghiệp trước khi đầu tư.
Trong email mới đây gửi tới khách hàng từ nhân viên môi giới của Công ty chứng khoán V có thông tin đáng chú ý: “Gửi tiết kiệm lãi suất 11%/năm vào trái phiếu ĐX”.
Theo email trên cho biết, Công ty ĐX dự kiến phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, lãi suất 11%/năm, kỳ hạn 24 tháng. Nhà đầu tư sẽ được thanh toán lãi 6 tháng/lần và được quyền bán lại trái phiếu trước hạn tối đa 30% tại thời điểm tròn 12 tháng kể từ ngày phát hành.
Ngoài các thông tin cơ bản trên, bản chào bán cũng nêu thông tin vắn tắt về doanh nghiệp và giá trị tài sản đảm bảo trên giá trị trái phiếu phát hành là 150%. Mục đích sử dụng vốn được Công ty ĐX dùng để mua quỹ đất, dự án cũng như tăng quy mô vốn cho hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động.
Có thể dễ dàng nhận thấy, so với mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay thì lãi suất đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như chào bán cao hơn khoảng 2-2,5%/năm. Với mức lãi suất cao như vây, trái phiếu doanh nghiệp thực tế đã thu hút được không ít nhà đầu tư cá nhân tham gia.
Gần đây, các nhân viên văn phòng, người về hưu… có tiền nhàn rỗi cũng bắt đầu nhận được thông tin tư vấn về trái phiếu doanh nghiệp từ tư vấn của các công ty chứng khoán.
Lãi suất 10-15%/năm là cao hay thấp?
Theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể có hoặc không có tài sản đảm bảo. Như vậy, trong trường hợp không có tài sản đảm bảo thì bản chất phát hành trái phiếu trong trường hợp này là vay tín chấp.
“Lãi vay tín chấp mà chỉ 10-15%/năm là quá rẻ. Với nhà đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp là đầu tư, chứ không phải gửi tiết kiệm, mà đầu tư thì phải xác định là luôn có rủi ro”, Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia kinh tế - ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO bình luận.
Một điểm đáng lưu ý nữa là phần lớn nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ đơn thuần dựa trên mức lãi suất mà doanh nghiệp cam kết chi trả. Trong khi đó, để có quyết định đầu tư, các tổ chức lớn đều phải dựa vào bộ phận phân tích chuyên nghiệp của mình để đánh giá thông tin về tình hình tài chính doanh nghiệp, dòng tiền, nguồn trả nợ…
Nghị định 163/2018/NÐ-CP có quy định phân biệt giữa phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. Theo đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Như vậy, có thể hiểu đối tượng hướng đến của phương thức phát hành riêng lẻ trong Nghị định trên là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không khuyến khích nhà đầu tư cá nhân do không có kinh nghiệm đầu tư và khả năng phân tích rủi ro.
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc gửi tiền tiết kiệm hay mua trái phiếu doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu vị của nhà đầu tư cá nhân. Nếu tự tin vào kiến thức đầu tư và chấp nhận rủi ro thì mua trái phiếu doanh nghiệp vẫn có thể là một kênh đầu tư có thể xem xét. Nhưng nếu không chấp nhận được rủi ro thì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư.