Kênh huy động vốn quan trọng
Sau thời gian tăng trưởng nóng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu hạ nhiệt trong nhưng tháng gần đây, do định hướng quản lý chặt chẽ hơn của các cơ quan nhà nước, cũng như ảnh hưởng từ những sai phạm của một số doanh nghiệp trong quá trình phát hành và sử dụng vốn huy động.
Trong đó, những vụ việc liên quan đến trái phiếu Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Tân Hoàng Minh vừa qua đã và đang tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư cũng như hoạt động phát hành mới của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên về dài hạn, trái phiếu doanh nghiệp vẫn được nhận định là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư trong dài hạn.
Thực tế, dù có tốc độ tăng trưởng bình quân 46% trong 5 năm qua, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP). Trong khi đó, Việt Nam vẫn có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng nên rất cần vốn trung- dài hạn, còn hệ thống ngân hàng thương mại đang quá sức trong việc tài trợ nhu cầu vốn này.
Theo nghiên cứu của chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 700.000 – 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn. Nguồn vốn này không bao gồm phần vốn tín dụng từ ngân hàng. ‘’Vì vậy, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng, vấn đề là điều tiết thị trường TPDN như thế nào để phát triển lành mạnh hơn’’, vị chuyên gia này nhận định
Thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường
Mặt khác, chiến lược tài chính đến năm 2030 của Chính phủ cũng đặt mục tiêu nâng quy mô dư nợ trái phiếu doanh nghiệp lên mức 20% GDP vào năm 2025 và 25% GDP vào năm 2030. Như vậy, định hướng của cơ quan quản lý trong dài hạn là tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của thị trường, nâng cao vai trò trái phiếu doanh nghiệp trong việc là kênh huy động vốn của doanh nghiệp.
Để tạo tiền đề cho thị trường trái phiếu hoạt động an toàn và hiệu quả, ngày 16/09/2022 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP bổ sung sửa đổi cho Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ. Điều này là một điểm tích cực đối thị trường vốn trong dài hạn. Theo đánh giá của FiinGroup, Nghị định 65 sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù kênh vốn tín dụng ngân hàng cũng được nới ở mức độ nhất định nhưng không thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là các ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản và năng lượng. Hoạt động phát hành TPDN của ngành này đang rất yếu, thậm chí có những tháng chỉ có 1, 2 đợt phát hành của ngành, bởi vậy Nghị định 65 ra đời sẽ tạo động lực cho các nhà phát hành đủ điều kiện nhanh chóng xây dựng phương án chào bán trái phiếu.
FiinGroup kỳ vọng thị trường TPDN sẽ dần sôi động trở lại vào đầu quý IV/2022 tới đây khi Nghị định 65 được ban hành với quy định pháp lý rõ ràng, minh bạch cho nhà phát hành lẫn nhà đầu tư. "Dự kiến năm 2023, thị trường TPDN sẽ có những thay đổi về chất theo xu hướng phát hành đại chúng sẽ tăng trưởng mạnh về quy mô, nhất là từ các doanh nghiệp có hồ sơ kinh doanh tốt và chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng của họ trên thị trường", chuyên gia Fiin Group nhận định.
Nhà đầu tư cần nâng cao nhận thức để kiểm soát rủi ro
Không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tạo ra một loại hình đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, lẫn chưa chuyên nghiệp trên thị trường, bên cạnh các sản phẩm đầu tư truyền thống.
Tuy nhiên, lợi nhuận cao cũng sẽ song hành với rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư cần nâng cao nhận thức và hiểu biết để kiểm soát rủi ro, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân vốn có ít lợi thế về thông tin và kỹ năng nghiệp vụ.
Khuyến nghị về vấn đề này, chuyên gia từ Cty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cho rằng đầu tiên nhà đầu tư nên chọn mua trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu đã có lịch sử phát triển bền vững trong nhiều năm. Thông thường lãi suất trái phiếu phát hành bởi những tổ chức này thường chỉ cao hơn 1-2% so với lãi suất tiết kiệm nhưng lại là một sự lựa chọn tương đối an toàn cho nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm.
Thứ hai, nhà đầu tư cần xem xét kỹ tính chuyên nghiệp của tổ chức tư vấn phát hành, đơn vị trung gian giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư để đảm bảo minh bạch thông tin cho nhà đầu tư ra quyết định. Để làm tốt vai trò này, tổ chức tư vấn phát hành phải đảm bảo tính chuyên nghiệp từ năng lực đội ngũ, quy trình tư vấn và đạo đức nghề nghiệp.
Cuối cùng, nhà đầu tư nên cẩn trọng với những trái phiếu không minh bạch thông tin về tổ chức phát hành, đặc điểm trái phiếu, các điều kiện và yếu tố rủi ro của trái phiếu trong khi lãi suất chào lại cao vì đây là dấu hiệu trái phiếu tiềm ẩn rủi ro lớn.
Với những thông tin tiêu cực trên thị trường trái phiếu thời gian qua, nhà đầu tư cũng cần bình tĩnh và xem xét kỹ các vấn đề nêu trên để phân loại được các trái phiếu tốt và trái phiếu kém chất lượng. Nhà đầu tư không nên bán tháo khi chưa hiểu rõ bản chất trái phiếu để tránh gây thiệt hại về tài chính cho bản thân. Với các trái phiếu chất lượng cao, nhà đầu tư thậm chí có thể có cơ hội mua trên các thị trường thứ cấp và nắm giữ lâu dài với mức giá đã chiết khấu.
Trong bài viết trên VnExpress, chuyên gia tài chính Nguyễn Quang Thuận cho rằng, trước hết, các nhà đầu tư cá nhân hiện đang sở hữu trái phiếu doanh nghiệp nên tìm hiểu chất lượng trái phiếu mình đang có và tránh rơi vào tâm lý lo ngại do trào lưu. Bởi, không phải trái phiếu nào cũng rủi ro vỡ nợ cao. Chuyên gia này nhận định, các sự việc có dấu hiệu vi phạm như Tân Hoàng Minh hay An Đông của Vạn Thịnh Phát là những sự kiện đơn lẻ. Thực tế, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu, kể cả trong ngành bất động sản, có tỷ lệ đòn bẩy nợ rất thấp, một số đa dạng hóa được nguồn thu, chất lượng quản trị doanh nghiệp tốt và dòng tiền trả nợ được đánh giá là có thể đáp ứng được trước áp lực đáo hạn trái phiếu trong môi trường lãi suất đang gia tăng hiện nay.
"Do đó, sẽ là điều đáng tiếc cho thị trường và tổn thất cho chính nhà đầu tư nếu tìm cách bán lại trái phiếu bằng mọi giá. Nếu vì lý do "trào lưu" mà nhà đầu tư xếp hàng thực hiện "bond-run" (yêu cầu tất toán/ mua lại trái phiếu ngay lập tức), thì doanh nghiệp dù tốt tự dưng trái phiếu của họ cũng thành "xấu", hoặc rơi vào trạng thái vỡ nợ vì bị rút đột ngột trước hạn chứ không phải vì họ yếu dòng tiền hoặc kinh doanh kém" – ông tư vấn.