Từ phòng thí nghiệm đến sự nhầm lẫn "thần thánh"
Là ông chủ đầu tiên của Coca-Cola, nhưng thực sự Asa Griggs Candler lại không phải là người phát minh ra thứ nước uống đặc biệt này. Người đầu tiên sáng chế ra Coca-Cola là dược sĩ John Styth Pemberton (1831-1888), chủ một phòng thí nghiệm và hiệu thuốc tư nhân.
Với mục đích sáng chế ra một loại nước thuốc bình dân để chống đau đầu, mệt mỏi, Pemberton đã thử nghiệm và pha chế ra một loại sirô có màu đen như cà phê. Chỉ cần một thìa sirô pha cùng với một cốc nước lạnh là có được thứ nước giải khát làm bớt đau đầu, tăng sảng khoái.
Pemberton luôn giữ bí mật công thức sáng chế, bởi thành phần quan trọng nhất của thứ nước uống này có chứa một tỉ lệ nhất định tinh dầu được chiết xuất từ lá và quả của cây Kola. Đây là loài cây chỉ có ở vùng rừng nhiệt đới Nam Mỹ và có thành phần đáng kể caffein và cả cocain.
Cái tên Coca-Cola được Frank M.Robinson, kế toán trưởng của Pemberton, đặt tên bắt đầu từ nguồn gốc sinh học nhưng đã thay chữ "K" bằng chữ "C" cho có vẻ dễ nhìn và quen thuộc hơn.
Khi sáng chế ra nước uống Coca-Cola, dược sĩ Pemberton rất tâm đắc và ông mang đi tiếp thị ở khắp nơi, đặc biệt trong các quán "Soda-Bar" đang rất thịnh hành ở thành phố Atlanta năm 1886.
Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa chấp nhận loại nước giải khát mới mẻ này vì chúng có màu nâu trông như một loại thuốc. Sau đó, cách thức pha chế Coca-Cola được hoàn thiện một cách tình cờ.
Một nhân viên quán bar "Jacobs Pharmacy" đã nhầm lẫn pha siro Coca-Cola với nước sôđa thay vì nước lọc bình thường theo công thức của Pemberton. Thế là cốc Coca-Cola bị pha nhầm đó lại ngon miệng và làm sảng khoái khác thường. Coca-Cola khi đó mới thực sự là nước giải khát, có thể phục vụ được số đông người tiêu dùng.
Giá một ly Coca-Cola lúc ấy chỉ có 5 cent, rẻ hơn so với các loại nước giải khát bấy giờ vốn có giá từ 7-8 cent. Pemberton cũng như mọi công ty nước giải khát ở Mỹ cuối thế kỷ XIX, bán Coca-Cola theo dạng thùng chứa sôđa (thay vì đóng chai).
Cửa hiệu của Pemberton tung ra chiến dịch quảng cáo Coca-Cola đầu tiên trên tờ Atlanta Journal vào tháng 5/1886, nhưng không đạt được nhiều hiệu quả. Chủ yếu do sản phẩm quá mới lạ và cách quảng bá của ông quá thiên về tính năng y học của Coca-Cola.
Tuy vậy loại thức uống mới này vẫn được một số doanh nghiệp địa phương chú ý và một số doanh nhân đã tìm đến Pemberton để hợp tác kinh doanh Coca-Cola, trong đó có cái tên Asa Griggs Candler (đại diện cho tỉ lệ sở hữu bên ngoài gia đình Pemberton)
Nhà sáng lập John Pemberton tuyên bố thương hiệu "Coca-Cola" thuộc về gia đình của ông (gồm ông và con trai là Charley Pemberton), nhưng những cổ đông thương nhân như Asa Griggs Candler được phép tiếp tục sử dụng thương hiệu Coca-Cola. Lúc này nhà Pemberton chỉ giữ 1/3 cổ phần công ty Coca-Cola, số cổ phần còn lại thuộc về các doanh nhân khác.
Chân dung "sói già" Asa Griggs Candler
Cơ đồ gia tộc mất vào tay "sói già"
Tuy nhiên, cục diện sở hữu ở Coca-Cola thay đổi khi John Pemberton mắc phải bệnh ung thư bao tử và mất vào 16/8/1888. Gia đình ông khánh kiệt vì chữa trị căn bệnh này và hai cha con nhà sáng lập đã bán công thức Coca-Cola cho các đối tác.
Khác với bố, Charley Pemberton không phải là người có chí hướng kinh doanh mạnh mẽ. Asa Griggs Candler quyết định thâu tóm toàn bộ Coca-Cola vào tay mình, gạt bỏ vai trò của Charley Pemberton.
Theo chuyên gia nghiên cứu lịch sử thương hiệu Coca-Cola Mark Pendegrast, ngay trong tang lễ Pemberton, ông Candler đã đề nghị mua lại tên thương hiệu Coca-Cola với giá 300 USD. Thương vụ chóng vánh thứ này đã thành công và từ ngày 30/8/1888, ông Candler trở thành cổ đông lớn nhất của Coca-Cola cũng như nắm giữ thương hiệu này.
Asa Griggs Candler chưa dừng lại ở đó. Ông này tiếp tục đàm phán với hai cổ đông còn lại ở Coca-Cola là Margaret Dozier và anh trai bà là Woolfolk Waler nhằm thâu tóm toàn bộ cổ phần.
Thương vụ trị giá 1000 USD cuối cùng cũng hoàn tất vào đầu năm 1889 và kể từ ngày 1/5/1889, Asa Griggs Candler hoàn toàn nắm trọn quyền sở hữu nhà máy, công thức cũng như thương hiệu Coca-Cola.
Còn hậu duệ Charley Pemberton sau chuỗi ngày dài nghiện rượu và buồn bã vì mất Coca-Cola đã qua đời năm 1894 khi chỉ mới 40 tuổi.
Đã có rất nhiều lời đồn đoán về thương vụ thâu tóm cuối cùng này của Candler, cả về khía cạnh nhân văn lẫn sự trung thực. Năm 1914, Margaret Dozier – đồng sở hữu trong công ty Coca-Cola năm 1888 tuyên bố chữ ký của bà trong hợp đồng mua bán đã bị giả mạo. Một số phân tích sau đó cũng cho thấy chữ ký của John Pemberton cũng bị làm giả. Nhưng không ai đủ khả năng đẩy cuộc điều xa tiến xa hơn vì nhiều lý do, một trong số đó là: dù sao Coca-Cola đang trên đường trở thành một đế chế thức uống ở Mỹ và hầu hết mọi nhân viên của hãng đều trung thành với ông chủ Asa Griggs Candler.
Chai Coca-Cola ra đời nhờ "sói già" ngủ quên trên chiến thắng
Coca-Cola trong những năm đầu vẫn bán qua các thùng rót soda chứ chưa đóng chai như bây giờ. Tuy nhiên, loại Coca-Cola đóng chai đầu tiên đã ra đời năm 1894 ở thị trường bang Mississippi. Công ty của Candler vẫn chưa nhận thức được xu thế tương lai của thị trường Coca-Cola đóng chai.
Và đó là cơ hội cho hai doanh nhân kiêm luật sư Benjamin Fraklin Thomas và Joseph Brown Whitehead trổ tài. Hai vị luật sư đến từ bang Tennessee cho rằng nếu chứa Coca-Cola trong các chai lọ sẽ dễ vận chuyển và tiêu thụ hơn so với các thùng soda. Nhưng họ không thể cứ mua thùng soda chứa Coca-Cola và tự đóng chai được vì chẳng mấy chốc các hãng phân phối nước giải khát khác và ngay cả công ty Coca-Cola cũng làm điều đó.
Thế là họ bèn "dụ dỗ" Asa Griggs Candler bán lại quyền phân phối Coca-Cola đóng chai cho mình với giá 1 USD. Lúc đó, Candler mau chóng đồng ý vì không quan tâm mấy đến các chai chứa Coca-Cola. Ông chỉ quan tâm đến việc cung cấp siro Coca-Cola để các nhà phân phối khác pha lại và tiếp tục phân phối sản phẩm cuối cùng.
Từ năm 1899, công ty Chattanooga của hai vị luật sư đã trở thành nhà phân phối Coca-Cola đóng chai đầu tiên trên thế giới. Coca-Cola sẽ cung cấp siro cho công ty này với giá chỉ 5 cent/chai với thời hạn vĩnh viễn vì sự chủ quan của Asa Griggs Candler.
Một thời gian, Coca-Cola nhận ra sai lầm chết người của mình khi doanh số bán sản phẩm đóng chai bùng nổ chóng mặt. Trong vòng chỉ 10 năm, từ năm 1899 đến năm 1909, đã có 379 nhà máy Coca-Cola ra đời nhằm cung cấp đủ sản phẩm cho thị trường, đặc biệt là thị trường đóng chai.
Bản hợp đồng này cuối cùng đã được điều chỉnh vào năm 1921 để giá cung cấp từ Coca có thể biến đổi theo giá đường nhằm đảm bảo lợi nhuận cho công ty.