Những cuộc giao tranh ngoài màn hình xoay quanh việc thời gian bộ phim phát độc quyền tại các rạp trước khi nó có thể được phát hành trên mạng. Khoảng thời gian đó trung bình là 90 ngày, nhưng biến động trên toàn ngành kinh doanh truyền thông đang gây tranh cãi về việc liệu khoảng thời đó có nên thu hẹp lại hay không.
Khi những ông lớn công nghệ "xuất chiêu"
Tương lai của những rạp phim và truyền hình đang bị đe dọa khi mà những gã khổng lồ công nghệ mới vươn lên mạnh mẽ.
Khởi điểm là một dịch vụ cung cấp phim và chương trình truyền hình trực tuyến, Netflix đang dòm ngó cả vào thị phần truyền hình và các rạp phim. Công ty này đã đi ngược lại truyền thống của Hollywood khi phát hành bộ phim gốc trên nền tảng online cùng 1 lúc, hoặc chỉ sau vài tuần so với lần đầu ra mắt tại các rạp phim. Đối thủ cạnh tranh - Amazon Studios cho biết họ dự định mua lại một số bộ phim và chỉ phát trong hai đến tám tuần tại các rạp trước khi ra mắt trên dịch vụ phát trực tuyến Amazon Prime Video.
Netflix và Amazon Prime - Hai ông lớn công nghệ đang đe dọa những rạp phim và truyền hình số
Không chỉ mang lại những trải nghiệm xem phim chất lượng cao nhanh nhất, những ông lớn công nghệ còn tự mình sản xuất phim. Từ năm 2015, Netflix đã có bộ phim điện ảnh đầu tiên của mình và mang lại thành công vang dội. Công ty này hiện cũng mua lại Nhà hát Ai Cập, một rạp chiếu phim lịch sử ở trung tâm Hollywood với kinh nghiệm làm phim lâu năm. Ông chủ Amazon Studio, Jennifer Salke cũng tuyên bố công ty cam kết mang đến những trải nghiệm hoàn mỹ nhất.
Tuy nhiên, những cam kết này đi ngược lại với truyền thống đã đành, nhưng vấn đề là nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu thậm chí là sự tồn tại các rạp phim.
Tháng 10 năm 2015, 'Beasts of No Nation', bộ phim điện ảnh đầu tiên do Netflix bỏ tiền sản xuất lập tức gặt hái thành công vang dội về lượt người xem và được giới phê bình đánh giá rất cao nhưng lại gây tranh cãi dữ dội trong giới phát hành. Lý do không gì khác ngoài việc phim ra mắt cùng lúc với các rạp ở Mỹ và việc chiếu ngoài rạp này chỉ là lấy lệ để phim đủ điều kiện tranh giải Oscar!
Nhiều chủ sở hữu rạp chiếu phim phản đối, khẳng định việc phát hành song song này gây những thiệt hại tiềm năng cho doanh nghiệp của họ.
Adam Aron, giám đốc điều hành hệ thống giải trí AMC Entertainment Holdings, điều hành những rạp chiếu phim đẳng cấp nhất thế giới, cho biết công ty ông sẽ xem xét bất kỳ và tất cả các lựa chọn thay thế, những mọi thay đổi đối với tiêu chuẩn ngành hiện tại sẽ phải có lợi hoặc trung lập với hệ thống rạp của mình.
Trong khi đó, Amazon thì chọn hướng đi cân bằng hơn cho tất cả. Công ty này hợp tác với các rạp chiếu, phát hành những bộ phim thắng giải thưởng như Manchester By The Sea hay Chi – Raq trong các rạp chiếu phim trước khi tải lên Internet.
Ở chiều ngược lại, ngay cả ông vua truyền hình trẻ em lâu năm, Walt Disney Co. – cũng đang bắt đầu phát trực tuyến. Tuy nhiên, công ty này khẳng định họ vẫn "vững vàng" nhờ các bộ phim thành công lớn với giá nhượng quyền ‘ngất ngưởng’ như "Black Panther" hay "Avengers: Infinity War" đã đạt tổng cộng 3,7 tỷ USD năm 2018.
Đến lượt các rạp phim "phản pháo"
Tháng 5 năm 2017, xuất hiện tại liên hoan phim Cannes, "Okja" đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ khán giả và các nhà phát hành khi họ phát hiện Netflix đứng đằng sau, đồng nghĩa với việc bộ phim này phát hành trực tuyến song song với rạp. Liên đoàn rạp phim Pháp (FNCF) thì chính thức phản đối việc mời phim của Netflix đến Cannes. Cuối cùng, Ủy ban Tổ chức của Cannes cũng phải khẳng định từ năm sau sẽ chỉ chấp nhận những phim được phát hành trước tại rạp tham dự giải.
Ông Greg Marcus, giám đốc điều hành của chuỗi nhà hát lớn thứ tư nước Mỹ thì cảnh báo rằng nếu các hệ thống rạp bị mất chỉ 10% khách hàng thôi cũng đã không thể tái đầu tư cho những trải nghiệm khác, do vậy cuối cùng người tổn thương nhất vẫn là các nhà sản xuất nội dung mà thôi!
Những lo ngại khiến các ông lớn phát hành phải làm mọi cách chiều chuộng khách hàng nhằm kéo mọi người đến rạp: giá ưu đãi, phục vụ đồ uống và thức ăn đa dạng, các dịch vụ đi kèm, thiết kế lại ghế ngồi rộng hơn, …
Song song với đó là những giải pháp điện ảnh mới. Sau những ‘cuộc cách mạng’ với định dạng 3D, 4D, IMAX; là nhiều trải nghiệm đột phá như "trải nghiệm điện ảnh 70mm", nơi người xem không phải tháo, trả kính 3D, lo độ nhòe mà vẫn xem được những khung hình rộng nhất.
Tại hội nghị CinemaCon gần đây dành cho các chủ sở hữu nhà hát ở Las Vegas, Disney và các hãng phim khác nhấn mạnh và khẳng định có nhiều trải nghiệm đặc biệt khi xem phim tại rạp mà xem trực tuyến không thể có được. Cũng lên kế hoạch phát trực tuyến, nhưng ông Toby Emmerich, một giám đốc điều hành cấp cao của Warner Bros thì khẳng định cảm xúc nhất vẫn là khi xem rạp so với ngồi xem trong phòng khách.
Nhiều nhà phát hành khác thì cho biết người tiêu dùng tỏ ra hài lòng với hệ thống hiện tại. Doanh thu phòng vé năm 2018 đạt kỷ lục 41 tỷ USD trên toàn cầu và 12 tỷ USD tại Hoa Kỳ và Canada, ngay cả khi Netflix phát hành khoảng 90 bộ phim trực tuyến.
Ở một diễn biến khác, một số thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh - nhóm trao giải Oscar, đã tranh luận về việc liệu các bộ phim có cần phải được chiếu tại rạp trong một thời gian cụ thể để đủ điều kiện tranh giành giải thưởng danh giá này.
Ngược lại, giám đốc Steven Spielberg thì rất gay gắt, ông nói với ITV News của Anh năm ngoái rằng các bộ phim được xem chủ yếu qua phát trực tuyến sẽ chỉ được cạnh tranh cho các giải thưởng khác chứ không phải là Oscar.
Tranh luận là thế nhưng năm nay Netflix đã thắng 3 giải Oscars cho "Roma", bộ phim được phát trực tuyến 3 tuần sau thời điểm chiếu rạp đầu tiên. Trên trang Twitter, công ty này nói rằng "rất yêu các rạp phim", nhưng cũng nói về lợi ích cho những người xem phim trực tuyến: "Chúng tôi rất ủng hộ sự truy cập xem phim online, họ quá bận rộn để đến hoặc không sống gần những rạp phim".
Có thể thấy rằng cho dù tranh luận, nhưng hai phương thức xem phim này vẫn cần phải song song với nhau và những nhà sản xuất nội dung thì vẫn cần có cả hai.
Robert De Niro, diễn viên chính trong phim "The Irishman" nói rằng các nhà làm phim luôn ủng hộ phát hành tại rạp, nhưng cũng nhận ra các khán giả của mình đến từ Netflix đang ngày càng nhiều lên. Khẳng định tầm quan trọng không thể thiếu của phát hành trực tuyến, ông cũng nói thêm: "Tất cả chúng tôi đang làm việc sao cho có thể tiếp cận nhiều khán giả nhất có thể".
Xem tại rạp vs xem tại nhà, Bạn chọn trải nghiệm nào?
Ở một góc độ khác, không thể phủ nhận rằng việc giành quyền phát hành những bộ phim đặc sắc mang lại không ít cơ hội và tiền bạc cho những nhà làm phim độc lập khi việc chiếu rạp không còn trở thành yếu tố sống còn của một bộ phim. Theo thống kê tại Liên hoan phim Sudance, giá bán trung bình đã tăng gấp đôi những năm gần đây do sự cạnh tranh của những ông lớn công nghệ là Netlflix và Amazon.
Rõ ràng, các nhà rạp sớm muộn cũng sẽ phải chấp nhận họ cũng chỉ là một trong những lựa chọn của khán giả mà thôi.