Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng và truyền thông liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn vay tiền từ các app (ứng dụng) cho vay online hoạt động kiểu tín dụng đen với lãi suất cao chót vót và đòi nợ theo kiểu "khủng bố"… Đáng nói các app dạng này vẫn nở rộ không ngừng.
Liên tục kêu cứu
Chỉ cần gõ từ khóa "vay online" trên Google, trong 0,6 giây có tới hơn 49 triệu kết quả tìm kiếm liên quan tới hoạt động cho vay trực tuyến. Tương tự, với từ khóa "app vay online" cũng có hơn 29 triệu kết quả tìm kiếm trong 0,37 giây. Ngoài ra, người có nhu cầu vay tiền cũng dễ dàng tìm các app cho vay trên các chợ ứng dụng của điện thoại.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện trên không gian mạng có rất nhiều app cho vay không có nguồn gốc rõ ràng, như: không có tên công ty; không có trụ sở, địa chỉ liên lạc, số điện thoại đường dây nóng... Các app này thường xuyên quảng cáo những thông tin rất thu hút người có nhu cầu vay "nóng", như: "vay tiền nhanh, tiền vay từ 1-10 triệu đồng với kỳ hạn 91-180 ngày, phí tư vấn 15%; lãi suất 15%-18%/năm…".
Các app này thường bắt buộc người vay đồng ý với "thỏa thuận bảo mật" lúc đăng ký vay. Thỏa thuận bảo mật này cho phép các app thu thập thông tin cá nhân của người vay gồm tên, số di động, bằng lái xe, thông tin liên lạc khẩn cấp, hình ảnh, địa chỉ gửi thư, địa điểm, địa chỉ công ty; thông tin ngân hàng; thông tin việc làm; thông tin liên quan đến thiết bị di động của người vay; thông tin vị trí… để đòi nợ khi cần thiết.
Các ứng dụng, website cho vay kiểu tín dụng đen mọc lên như nấm khiến người dùng rất dễ bị sập bẫy. Ảnh: TẤN THẠNH
Phản ánh đến Báo Người Lao Động, chị M.C (ngụ quận 1, TP HCM) cho biết đầu tháng 6, do cuộc sống khó khăn, gia đình có người bệnh và không tìm hiểu kỹ nên chị đã vay tiền từ các app cho vay. Vì không xoay được tiền để trả, chị được hướng dẫn vay của app này để trả cho app kia. Hiện chị đang mắc nợ ở một loạt app như Vimayman, Moneybag, Vaycaptoc, Lalacredit, Vaytiachop, Alocredit…, trong đó app vay nhiều nhất tiền nợ đã lên gần 300 triệu đồng cả gốc và lãi. "Tôi phải vay với lãi suất lên tới 310%/tháng, có app tôi vay 7,54 triệu đồng nhưng sau 7 ngày, số tiền phải trả lên tới 13 triệu đồng. Đến giờ, tôi không còn khả năng thanh toán nên thường xuyên phải khóa điện thoại để tránh bị đòi nợ" - chị M.C lo lắng.
Không riêng chị M.C, Báo Người Lao Động thường xuyên nhận được đơn kêu cứu của bạn đọc là nạn nhân của các app cho vay theo kiểu tín dụng đen. Vì không trả được nợ hoặc trễ hạn mà cả nhà bị vạ lây; đến cả bạn bè, đồng nghiệp, đối tác làm ăn cũng bị các đối tượng đòi nợ "khủng bố", thậm chí bị dựng chuyện, bêu riếu trên các trang mạng xã hội.
Ban Chấp hành Công đoàn của một công ty ở quận 3, TP HCM đã phải gửi thông báo đến toàn thể cán bộ, nhân viên cảnh báo về việc vay tiền các app hoặc tín dụng đen, nếu có phải bảo đảm "những giao dịch tín dụng cá nhân không ảnh hưởng đến bất kỳ đồng nghiệp nào trong cơ quan".
Tỉnh táo khi vay qua app
Cũng vì nạn cho vay nặng lãi hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như: dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn hoặc biến tướng dưới các hình thức như: khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu... mà Tổng LĐLĐ Việt Nam mới đây đã có văn bản đề nghị LĐLĐ các tỉnh, thành phố; các Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc… chủ động phối hợp triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn tín dụng đen trong công nhân lao động.
Theo Tổng LĐLĐ, hoạt động tín dụng đen với những hình thức nói trên là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của nhân dân, trong đó có công nhân lao động. Đặc biệt, các đối tượng liên quan đến tín dụng đen còn có thủ đoạn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cán bộ Công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động…
Để không bị sập bẫy app cho vay online núp bóng tín dụng đen, các chuyên gia tài chính khuyến cáo người vay cần tỉnh táo tìm hiểu thông tin về tổ chức cho vay để có đánh giá trước khi tiếp cận. Đơn vị cho vay uy tín sẽ có website, có địa chỉ công ty và đặc biệt có số hotline chăm sóc khách hàng, khiếu nại khi cần. Tính minh bạch trong việc cho vay như thông tin về lãi suất theo năm, các loại phí phải được công bố rõ ràng, công khai. "Các app cho vay bất hợp pháp có mức lãi suất rất cao, họ thường công bố theo ngày chỉ 3.000 - 10.000 đồng/triệu đồng/ngày nhưng tính theo năm sẽ lên 108- 360% để đánh lừa người vay. Một số app không công bố các loại phí đi kèm để thu lãi dưới hình thức các loại phí nhằm lách luật. Trong khi ở ATM Online, mức lãi suất 12%/năm kèm một phí dịch vụ và phí tư vấn đều được thông báo rõ ràng trong hợp đồng ký với khách hàng" - ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Công ty ATM Online, dẫn chứng.
Cũng theo chuyên gia này, các app tín dụng đen thường không có hợp đồng thỏa thuận, không có tài khoản trên website để khách hàng đăng nhập theo dõi hợp đồng của mình. Hợp đồng ký, nếu có, chỉ có bên cho vay giữ hợp đồng này, khách hàng không được giữ cũng như không biết rõ những điều kiện, điều khoản trong đó. Các tổ chức cho vay bất hợp pháp sẽ không giải ngân 100% số tiền khách hàng đề nghị vay mà sẽ trừ trước phần phí và phần lãi ngay khi giải ngân. "Hầu như các app cho vay online kiểu tín dụng đen đều không thẩm định khả năng tài chính của khách hàng trước khi cho vay. Để thuận tiện cho việc đòi nợ, các ứng dụng yêu cầu người vay nợ cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện... Khi người vay chậm trả, các công ty này sẽ liên hệ đòi nợ những người trong danh bạ; gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ hoặc đăng trên các tài khoản mạng xã hội để gây áp lực" - ông Đỗ Minh Hải thông tin thêm.
PGS-TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng, ĐHQG TP HCM, nhận định tín dụng đen núp bóng các app cho vay online đều có lãi suất rất cao. Do đó, người có nhu cầu vay có thể nhìn vào lãi suất cao để biết mà tránh, đặc biệt phải xem kỹ các điều khoản ẩn sau cách tính lãi.
Để hạn chế tín dụng đen núp bóng app cho vay online này, theo PGS.TS Trần Hùng Sơn, cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền và nhanh chóng tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đây là một trong những dịch vụ cho vay online được đề cập trong dự thảo cơ chế quản lý thử nghiệm (sandbox) mà Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng. “Sandbox này sẽ là nền tảng quan trọng góp phần loại bỏ các app cho vay kiểu tín dụng đen vì công ty tham gia phải công khai thông tin. Thậm chí, người vay trong một số trường hợp phải có hiểu biết nhất định mới được tham gia, đồng thời cần đẩy mạnh phổ cập tài chính cho người dân” - PGS-TS Trần Hùng Sơn nói.