Thực tế, việc mua bán qua mạng, đặc biệt là hình thức livestream, nở rộ khiến cho người tiêu dùng lạc vào "mê hồn trận" chất lượng, giá cả và có thể mua nhầm hàng giả bất cứ lúc nào.
Tại buổi kiểm tra của Cục Quản lý thị trường Hà Nội với sự phối hợp của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), kho hàng là một căn biệt thự 5 tầng, mỗi tầng rộng trên 100 m2 tại Q.Hà Đông (TP.Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, trên 50 nhân viên có mặt ở các tầng đang thực hiện đóng gói, dán đơn lên các sản phẩm vừa được chốt đơn trong phiên livestream ngày 23.12 trước đó. Đây là tài khoản của một hot girl "làm mưa làm gió" trong lĩnh vực bán hàng online trên nhiều nền tảng thương mại điện tử thời gian qua như TikTok, Instagram, Facebook cũng như website với tên gọi Mailystyle.com. Chỉ riêng trang Mailystyle trên Facebook có 332.000 lượt thích và 520.000 lượt theo dõi. Phiên bán hàng gần nhất đã thu hút được 647.000 lượt xem và 4.100 lượt bình luận chốt đơn sản phẩm.
Một số người tiêu dùng cho biết họ theo dõi livestream của nhiều "hotgirl" để mua hàng vì tin tưởng phong cách thời trang mà những người này xây dựng. Bên cạnh đó, tâm lý mua hàng theo phong trào tạo ra không khí sôi động, nhưng đặc biệt hơn là hàng mua qua các kênh livestream thường có giá rẻ hơn so với mua ở các cửa hàng chính hãng.
Thực tế, rất nhiều cá nhân đang livestream bán hàng với chất lượng hàng hóa cũng thuộc dạng "hên xui" cho người mua. Trong đó rất nhiều sản phẩm là hàng nhái, hàng giả trà trộn. Ví dụ, tài khoản B.N Store USA trên Facebook tự giới thiệu là địa chỉ bán quần áo hàng hiệu săn sale (giảm giá) trực tiếp tại Mỹ và gửi hàng về VN. Tài khoản này livestream giới thiệu quần jeans hiệu Calvin Klein (CK) là "mẫu quần siêu phẩm, sale off giá 1,6 triệu đồng chỉ còn 600.000 đồng và miễn phí ship. Hàng chính hãng của Mỹ, made in USA, đầy đủ tem mác, nhận hàng kiểm tra thoải mái, hàng check code luôn…".
Tương tự, một buổi livestream bán hàng khác vào ngày 14.11 là bán quần jeans hiệu Tommy Hilfiger cũng giới thiệu là "hàng chính hãng Mỹ được sale off giá cực kỳ tốt cho cả nhà. Quần giá 1,5 triệu đồng sale còn 500.000 đồng và miễn phí ship". Có thể thấy rằng tài khoản này luôn bán hàng hiệu "giảm giá" đặc biệt gần như quanh năm. Trong khi đó, trên trang web chính hãng Calvinklein.us, những sản phẩm quần jeans nam đang được giảm giá nhiều nhất 60% thì giá bán còn lại thấp nhất là 53,7 USD; quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ hiện tại tương đương hơn 1,3 triệu đồng. Đó là chưa cộng thêm thuế và phí vận chuyển về VN hoặc cộng thêm công của dịch vụ nhận mua hàng từ nước ngoài.
Theo một người chuyên mua hàng giảm giá tại Mỹ, vẫn có một số hệ thống chuyên bán hàng giảm giá rẻ hơn mức giảm của hãng, nhưng số lượng, kích cỡ thì khá hạn chế, chứ không phải nhiều đến mức "đặt bao nhiêu cũng có" như quảng cáo trên các chương trình livestream bán hàng.
"Vì vậy câu chuyện giá quần jeans CK hay Tommy Hilfiger về VN chỉ có 500.000 - 600.000 đồng là chắc chắn không phải hàng chính hãng như lời quảng cáo của người bán", chị M.P, ngụ tại Q.7 (TP.HCM), một người thường xuyên mua hàng online, nhận định.
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, tình trạng bán hàng giả nhiều nhất trên mạng hiện nay là các mặt hàng mỹ phẩm, giày dép. Chị Đỗ Thị Diễm, ngụ tại Đập Đá, TX.An Nhơn (Bình Định), kể: "Tôi tức quá, tôi sử dụng kem dưỡng E.M một thời gian thấy tốt, nhưng không ngờ đến một ngày bị mua nhầm. Da tôi nổi mụn mà còn bị khô nữa nên trước giờ tôi dùng loại này thấy hợp, dùng đến chai thứ 4 rồi. Nhưng tình cờ thấy shop kia livestream sản phẩm này, giới thiệu là hàng chính hãng xách tay, tôi thấy rẻ nên đặt mua. Ai ngờ sáng nay ngồi lấy chai cũ so với chai mới thì thấy nó khác một trời một vực".
Chị H.N, ngụ tại Hà Nội, cũng là nạn nhân khi mua hàng mỹ phẩm qua các kênh livestream. Chị H.N kể: "Tôi mua kem Dexeryl bao nhiêu lần rồi mà đến tối qua sơ suất vẫn mua nhầm hàng "fake". Về mở tuýp kem ra thấy lỏng lỏng, bôi lên xót nhảy người là thấy mình "ngu" rồi, tuýp đấy lại còn nắp vặn chứ không phải nắp bật như loại hay dùng, bôi xong sáng ngủ dậy thấy chỗ nẻ nó khô ráp luôn. Hôm sau tôi phải tìm mua lại loại kem xịn khác".
Chị Đoàn Thủy, ngụ tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cũng chia sẻ: "Có một lần tôi mua kem chống nắng online trên mạng bị fake, mẫu mã y chang, chỉ là màu kem hơi ngả vàng và lỏng hơn hàng thật. Khi họ livestream có khi đưa ra mẫu mã thật, còn hàng bán ra thì khác. Ngay cả hàng giả, nhìn bên ngoài cũng có mã số lô hàng nhưng search trên mạng sẽ không ra. Còn hàng mỹ phẩm thật thì tìm mã số sẽ hiển thị ra ngay, bất cứ thương hiệu nào. Cho nên bây giờ tôi ít khi mua qua livestream hay kênh shop online nữa mà tự tạo tài khoản trên website của hãng sản xuất và đặt hàng".
Không chỉ là mỹ phẩm, nhiều loại sản phẩm khác như linh kiện máy móc, phụ tùng ô tô cũng bị giả. Anh N.Đ.A, ngụ tại Ninh Bình, kể: "Tôi mới mua cái gạt nước ô tô chính hãng Bosch, họ bán trên kênh Shopee, tôi nghĩ rằng ở đâu cũng giống nhau nên đặt mua với giá 300.000 đồng, tưởng đâu mua được giá rẻ, ai ngờ mua trúng hàng fake, phải vứt bỏ không dùng được".
Anh T.Q.T, ngụ tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), kể: "Một lần tôi mua tấm chắn nắng trên xe ô tô, họ giới thiệu mẫu, giá cả nhưng sau đó gửi đến cho tôi tấm chắn của dòng xe đời cũ, không sử dụng được trên xe của tôi. Một lần khác tôi đặt mua dây sạc điện thoại iPhone 15, họ còn khuyến mãi mua 2 dây miễn phí ship, nhưng khi tôi nhận hàng thì lại là loại dây sạc của iPhone 14. Những lần đó tôi đều không khiếu nại hay trả hàng gì được, rất bực bội".
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM, nhận định: "Hầu hết các đối tượng bán hàng thực hiện livestream tại một góc nhỏ của một nơi nào đó nhưng không cung cấp địa chỉ thực hiện, nơi bán hàng mà chỉ giới thiệu về hàng hóa, phương thức giao dịch qua điện thoại, các dịch vụ giao nhận. Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường không có cơ sở dữ liệu, công nghệ và hành lang pháp lý để xác định được lý lịch của đối tượng bán hàng bằng hình thức livestream qua nhận diện khuôn mặt để làm căn cứ thẩm tra, xác minh chính xác đối tượng, địa điểm kinh doanh để kiểm tra, xử lý nếu phát hiện có vi phạm. Bên cạnh đó, để có thể xác định được chính xác hàng hóa được bán qua livestream có phải là hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thì phải căn cứ hàng hóa kiểm tra thực tế thu giữ được và các quy định của pháp luật có liên quan thì mới kết luận được; nghĩa là phải xác định được nơi chứa trữ hàng hóa kinh doanh của các đối tượng này để kiểm tra, kết luận".
Theo ông Huy, kinh doanh bằng hình thức livestream mục đích cuối cùng vẫn là để bán được hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Mà muốn bán được thì phải có hàng hóa được sản xuất, chứa trữ để kinh doanh nên trong thực tế, việc tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm trên thị trường truyền thống cũng chính là đã kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm kinh doanh bằng hình thức livestream bán hàng.
Hoạt động kinh doanh trên thị trường truyền thống và bằng hình thức livestream bán hàng không phải là 2 hình thức kinh doanh độc lập, tách biệt mà nó đan xen, bổ sung, hỗ trợ nhau. Người tiêu dùng mua hàng của các đối tượng livestream bán hàng thì khi giao dịch phải yêu cầu đối tượng kinh doanh này cung cấp rõ thông tin, bằng chứng về chủ kinh doanh là ai, địa chỉ kinh doanh ở đâu, nguồn gốc hàng hóa như thế nào và mua bán có giấy tờ gì để chứng minh có giao dịch hay không để không bị lừa gạt, mua phải hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hoặc nếu bị lừa gạt, mua phải hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… thì cũng có căn cứ để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Quang Huy (Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM)