Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, một trong các biện pháp được nhiều ngành áp dụng là dán tem kiểm soát trên sản phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng tem còn nhiều bất cập, thậm chí đến cả tem chống giả hiện nay cũng bị làm giả khiến doanh nghiệp, người tiêu dùng lo ngại.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm 2018, lực lượng quản lý cả nước đã kiểm tra 116.730 vụ; phát hiện, xử lý trên 93.350 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng; thu nộp ngân sách nhà nước trên 380 tỷ đồng. Trong đó, các vi phạm về dán nhãn sản phẩm khá phổ biến.
Hàng nhái bán đẩy vỉa hè
Tại một hội thảo mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về "Thực trạng thị trường mỹ phẩm", bà Nguyễn Thị Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mỹ phẩm Hoa Lan chia sẻ, trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm giả, nhái.
''Chỉ cần về các vùng ven ngoại thành, dễ dàng thấy mỹ phẩm dán nhãn Thái Lan, Việt Nam, Nhật,... bày bán tràn lan ở chợ hay vỉa hè. Trong khi đó, Thái Lan họ chỉ xuất khẩu mỹ phẩm sang Việt Nam với số lượng đủ để vào siêu thị", bà Đông cho biết.
Không chỉ với mỹ phẩm, các sản phẩm bánh kẹo, quần áo, giày dép cũng không có nhãn mác, hoặc có thì thông tin sản phẩm cũng được làm sai lệch. Đáng chú ý hơn, tình trạng một số nhà sản xuất cố tình đặt nhãn hàng hóa có tên gọi gần giống với nhãn hàng của những thương hiệu uy tín để gây sự nhầm lẫn với người tiêu dùng. Chẳng hạn như bột giặt OMON có tên gần giống với tên bột giặt OMO, nước uống đóng chai Aquafinal gần giống tên nước uống đóng chai Aquafìna, nước khoáng Lavillle gần giống với sản phẩm La Vie...
Không dừng lại ở đó, hiện nay có tình trạng một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhập các mặt hàng Trung Quốc kém chất lượng rồi gỡ bỏ nhãn mác, bao bì sản phẩm, sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác của các nhà máy trong nước. Vụ việc của KhaiSilk liên quan đến vi phạm nghiêm trọng về nhãn mác sản phẩm vừa được phát hiện. Công ty chủ yếu mua thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa "Khaisilk®", "Khaisilk cách điệu" và "Khaisilk Made in Vietnam" để kinh doanh trên thị trường.
Thách thức hàng giả
Để ngăn chặn hàng giả, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết, việc dán tem kiểm soát, tem chống giả, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ được áp dụng cho nhiều mặt hàng nhập khẩu cũng như hàng hóa trong nước, từ rượu, thuốc lá, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, quần áo, hoa quả, đến băng - đĩa ca nhạc, sách...
Tuy nhiên, còn nhiều bất cập trong sử dụng tem, mục tiêu ngăn chặn hàng giả chưa như mong muốn. Như tem kiểm soất dán trên các chai rượu nhập khẩu vẫn có thể gặp hiện tượng dù đã bóc khỏi chai rượu nhưng tem vẫn còn nguyên vẹn và có thể tiếp tục dán lên chai rượu khác. Hay tem dán trên trái cây nhập khẩu cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Trước tình trạng vi phạm về nhãn hàng hóa còn tràn lan, để hạn chế việc mua phải hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, nhiều ý kiến cho rằng, người tiêu dùng cần tạo cho mình thói quen xem kỹ nhãn mác, bao bì sản phẩm trước khi quyết định chọn mua. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát thị trường, xử nghiêm các vi phạm để đảm bảo tính răn đe.
Với cơ quan quản lý, cần kiểm soát ngay từ đầu, có chế tài xử phạt, răn đe. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc dán tem chống hàng giả. Việc minh bạch các thông tin về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhà sản xuất tự cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và thông tin của mình là điều tất yếu khi chính sách quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Đại diện Công ty Cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) khuyến cáo các doanh nghiệp nên có giải pháp chống hàng giả cho mỹ phẩm, cụ thể là dán tem chống hàng giả mang tính pháp lý cho những sản phẩm mỹ phẩm đã và đang bị làm giả trên thị trường.