Giữa những lo ngại về tình trạng ngập lụt nghiêm trọng đang diễn ra ở phía nam Trung Quốc, một chuyên gia từ Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc nhấn mạnh trận lụt năm nay sẽ không thể gây ra những thiệt hại nặng nề như đợt lụt lịch sử năm 1998.
Theo vị quan chức Trung Quốc, vào thời điểm hiện tại, đây mới chỉ là đợt lũ trong khu vực và năng lực kiểm soát lũ trên sông Trường Giang cũng đã được cải thiện nhiều sau hơn 20 năm.
Trận lụt lịch sử năm 1998 có nguy cơ tái diễn ở Trung Quốc. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu)
Chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu, bà Li Na, người đứng đầu Ban Đánh giá và Kiểm soát lũ thuộc Viện Nghiên cứu Thủy lợi và Các nguồn tài nguyên nước tại Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc nhấn mạnh, những thiệt hại mà trận lụt năm nay gây ra sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với những gì từng xảy ra vào năm 1998.
Cũng theo bà Li, dù mực nước tiếp tục vượt trên các mức cảnh báo, nhưng lũ lụt hiện chủ yếu tập trung tại các khu vực nhất định.
Bà Li nhấn mạnh thêm, năng lực điều tiết lũ trên sông Trường Giang đã được cải thiện nhiều so với cách đây hơn 20 năm là nhờ đập Tam Hiệp. Đây là công trình thủy điện có quy mô lớn nhất thế giới và được hoàn thành xây dựng trong năm 2009 với khả năng lưu trữ lượng nước lên tới 22 tỉ m3.
Ngoài ra, theo bà Li, sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại như giám sát, dự báo và điều phối kiểm soát lũ cũng sẽ giảm thiểu mức độ ảnh hưởng từ thiên tai.
Đáng nói, bà Li cho rằng ngay cả khi trận lụt lịch sử năm 1998 lặp lại, hệ thống ngăn chặn dòng lũ trên sông Trường Giang vẫn đủ sức tiết chế. Nhưng không thể tránh khỏi việc những khu vực rộng lớn và các nhánh sông sẽ bị ảnh hưởng.
Bà Li cảnh báo thách thức thực sự mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt là trường hợp nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao trên thượng nguồn và ở giữa sông Trường Giang.
Theo bà Li, việc dự đoán liệu nước lũ có hạ xuống trong tương lai gần hay không là chuyện vô cùng khó.
“Tình hình phụ thuộc lớn vào vị trí và lượng mưa đổ xuống khu vực. Mưa đang di chuyển sang phía bắc và sẽ gây ảnh hưởng tới mực nước trên sông Hoàng Hà và các con sông ở phía bắc Trung Quốc”, bà Li nhấn mạnh, khác với phía nam, các con sông ở miền bắc chưa từng trải qua những đợt lũ lớn trong quá khứ, do đó khu vực này rất dễ chịu tác động từ thiên tai.
Vì vậy, nhiệm vụ chính trong công tác phòng chống lũ hiện nay là sơ tán người dân khỏi các khu vực bị ảnh hưởng và giám sát chặt chẽ tình hình ở những con sông lớn đang trong tình trạng không thể chống cự được để đưa ra quyết định sớm và triển khai công tác cứu hộ cứu nạn.
Quân đội chạy đua với thời gian để chống lũ
Khoảng 24.000 binh sĩ thuộc lực lượng cảnh sát vũ trang và quân đội Trung Quốc được điều động tham gia công tác chống lũ ở tỉnh Giang Tây, nơi 6 triệu người dân đang phải hứng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng từ thiên tai.
Theo đó, quân đội Trung Quốc đang chạy đua với thời gian để sửa chữa và gia cố các con đập nhằm ứng phó với tình trạng lũ lụt trở nên trần trọng hơn, khi mà dự báo thời tiết cảnh báo mưa lớn sẽ sớm tái diễn.
Tại thị trấn Hồ Bà Dương, khu vực nằm ngay cạnh hồ chứa nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc có cùng tên, binh sĩ thuộc lực lượng cảnh sát vũ trang đang sửa chữa các điểm yếu, gia cố và đắp cao thêm phía trên con đập để chuẩn bị trước tình huống nước lũ dâng cao đe dọa cuộc sống của 400.000 cư dân địa phương.
Khi biết tin lũ lụt diễn biến nghiêm trọng, anh Xu Lefan (24 tuổi), một binh sĩ thuộc biên chế của lực lượng không quân Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, cũng đã nhanh chóng mua vé lên chuyến tàu cao tốc để tới thị trấn Hồ Bà Dương làm nhiệm vụ khẩn cấp là xây dựng một “bức tường bằng bùn” phía trên các con đập cũ giữa lúc nước lũ không ngừng dâng lên.
“Là một quân nhân, nhiệm vụ của tôi là đối phó với thiên tai và hỗ trợ người dân”, anh Xu chia sẻ.
Ngay cả các cựu quân nhân Trung Quốc cũng tình nguyện tới những khu vực lũ lụt để tham gia công tác phòng chống và sơ tán người dân tới nơi an toàn.
Miền nam Trung Quốc đang trải qua đợt mưa kéo dài bất thường khi 433 con sông ghi nhận mực nước vượt trên mức cảnh báo.
Theo một chuyên gia giấu tên, nếu mưa tiếp tục di chuyển sang phía bắc, lưu vực sông Trường Giang sẽ được an toàn và đập Tâm Hiệp sẽ điều tiết lượng nước mưa trên khu vực thượng nguồn.
Song vị chuyên gia này cũng cảnh báo, mùa mưa còn kéo dài thêm ít nhất là một tháng nữa kèm theo yếu tố thời tiết bất thường, công tác kiểm soát lũ sẽ vô cùng khó khăn.