Ông Trần Phương Bình bị truy tố vì lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trong khi đó Vũ Nhôm vẫn là cổ đông lớn tại DongABank. Doanh nghiệp vợ ông Bình có thêm 500 triệu USD.
Thông tin từ DongABank cho biết, chiều 3/4/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank - DAF), cùng 20 đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại DongABank.
Theo DongABank, việc truy tố các nguyên lãnh đạo này không phải phát sinh mới mà đây chỉ là thủ tục truy tố theo trình tự tố tụng trong vụ án đã khởi tố từ cuối năm 2016. Do đó, thông tin này không ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của DongABank.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, nhóm cổ đông do ông Trần Phương Bình làm đại diện nắm giữ 10,25% vốn điều lệ của DAF và nhóm cổ đông là người thân của ông Bình nắm giữ 7,7% vốn điều lệ.
Ông Trần Phương Bình bị xác định là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DAF, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DAF hàng ngàn tỷ đồng, gây lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu hàng chục ngàn tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.
Theo báo cáo của DongABank trước đó, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 của ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) sở hữu 10% vốn điều lệ của DongABank và riêng cá nhân ông Vũ Nhôm cũng nắm giữ lượng lớn cổ phần ở nhà băng này.
Do từ 2015, DongABank rơi vào kiểm soát đặc biệt cho nên nếu xét theo quy định thì mọi giao dịch cổ phiếu của cổ đông đều phải ngừng lại. Điều đó có nghĩa là, doanh nghiệp của Vũ Nhôm vẫn nắm giữ 10%, tương đương 50 triệu cổ phần DAF (trị giá 500 tỷ đồng theo mệnh giá). Bên cạnh đó còn hơn 100 tỷ đồng của cá nhân ông Vũ.
Trên thực tế, các số liệu này không được phản ánh trong báo cáo quản trị của DongABank trong các năm và bán niên gần đây. Lý do là bởi, CTCP Xây Dựng Bắc Nam 79 và cá nhân ông Phan Văn Anh Vũ không tham gia HĐQT, Ban kiểm soát,... tại DongABank.
Trong khi đó, mặc dù chồng là ông Trần Phương Bình vướng lao lý, bà Cao Thị Ngọc Dung, chủ đế chế vàng bạc trang sức Phú Quý PNJ, vẫn chứng kiến tài sản tăng vọt, doanh nghiệp lên tầm tỷ USD trong thời gian gần đây.
Cổ phiếu PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung tăng vọt từ mức 100 ngàn đồng/cp cách đây 6 tháng lên 206.000 đồng/cp hôm cuối tháng 3/2018. Đây cũng là đỉnh cao lịch sử của cổ phiếu này. Tuy nhiên, trong 3 phiên gần đây, PNJ quay đầu giảm giá về sát ngưỡng 200 ngàn đồng/cp.
Trong vòng chưa tới 6 tháng, vốn hóa doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung đã tăng gấp đôi, thêm khoảng 500 triệu USD. Đây có thể là khoảng thời gian thăng hoa nhất trong cuộc đời làm kinh doanh của nữ doanh nhân quyền lực này.
Công cuộc tái cấu trúc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tiếp tục gặp thuận lợi và lên cao như diều gặp gió. Số lượng cửa hàng mới được mở ra liên tục sau khi nguồn vốn ngoại chảy vào.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền nội ngoại vẫn dồn dập đổ vào. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bất động sản tiếp tục hút dòng tiền.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán hưởng lợi từ sự sôi động của thị trường với giao dịch đều đặn 7.000-10.000 tỷ đồng/phiên. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang mùa lợi nhuận cao, cổ tức lớn và hút dòng vốn ngoại. Các cổ phiếu bất động sản và xây luôn là tâm điểm của TTCK mỗi khi nền kinh tế khởi sắc.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 4/4, VN-index tăng 3,25 điểm lên 1.191,54 điểm; HNX-Index giảm 0,3 điểm xuống 135,32 điểm. Upcom-Index tăng 0,01 điểm lên 60,46 điểm. Thanh khoản đạt 330 triệu cổ phần. Giá trị đạt 10,1 ngàn tỷ đồng.
V. Hà