Được coi là "người mộng mơ", "kẻ ưa mạo hiểm" trong team châu Phi, Đông Paulo liên tục thử nghiệm, tìm kiếm các loại cây trồng, vật nuôi từ Việt Nam mang sang Angola nuôi trồng. Trong quan niệm của anh, quá trình thử nghiệm sẽ đem lại kiến thức, kinh nghiệm về mùa vụ, thổ nhưỡng, gia tăng hiểu biết quý giá.
Vài tháng trước, Đông Paulo đã thử nghiệm nuôi tằm lá sắn Việt Nam. Ý tưởng nảy ra khi trang trại của anh trồng thành công sắn bở, củ để người ăn, lá bỏ đi thì... tiếc rẻ.
Anh kể lại: "Hôm bay từ Việt Nam sang, mình ôm hộp trứng tằm như ôm con. Cả chặng đường cứ ôm trong người, chỉ sợ nó dập".
Có kinh nghiệm làm tằm ăn dâu hồi còn ở quê Thái Bình, Đông Paulo khá tự tin. Anh hy vọng có thể nuôi tằm lá sắn làm thực phẩm. Thậm chí, ông chủ trang trại còn mong tằm có thể đẻ trứng, nhân giống tự nhiên để nuôi lâu dài.
Sau một thời gian nuôi, Đông Paulo hí hửng thấy một số tằm lá sắn chín sớm. Chọn ra những con vàng ươm, béo múp, trong bụng không còn phân, anh đem nấu cho công nhân trang trại và những người dân bản đến phụ việc ăn thử.
Ở đây người dân vẫn bắt côn trùng, đặc biệt là một loại sâu đen trên cây để làm thức ăn, nên rất hào hứng ăn thử món tằm lá sắn. Họ cho rằng tằm lá sắn xào lá chanh rất thơm ngon, vị béo hơi giống nhộng ong.
Với những anh em người Việt đang làm việc ở trang trại , ăn tằm mang giống từ Việt Nam sang không chỉ thỏa cơn thèm, mà còn khiến họ rưng rưng xúc động.
Đông Paulo đã rất hí hửng, tưởng rẳng mình sẽ thu hoạch được hết mấy chục nong tằm đang nuôi. Một số con đã đóng kén khiến anh càng tin mình có thể chủ động nhân giống.
Có một biến số mà Đông Paulo không lường trước được: Đầu thì xuôi nhưng đuôi không lọt. 2 ngày sau khi anh nhặt ra những con tằm lá sắn chín để đãi mọi người, đám tằm còn lại bỗng dưng đổ bệnh.
Vào đúng thời điểm chín gần hết, sắp được thu hoạch , tằm ở trang trại lại thi nhau đổ dần màu đen, uể oải như bị ốm rồi chết. Chúng tự bị nhão, vỡ nát rồi lây sang những con tằm khỏe mạnh.
Đông Paulo cùng những người phụ trách chăm sóc đám tằm bị sốc. Họ cho biết đã che đậy tằm rất cẩn thận, lá sắn hái vào cho tằm ăn cũng sạch và khô ráo.
Mọi việc diễn biến quá nhanh. Trước đó 1 - 2 ngày, còn có những con đã đóng kén, mọi người còn bàn nhau cách để lấy trứng làm giống. Tưởng sẽ được nhiều tằm, họ còn đóng thêm một giàn nữa để đặt nong nuôi.
Đám tằm lá sắn tự dưng bị đốm đen, rồi mềm oặt, vỡ ra trước khi kịp chín
Lý do cho vụ tằm chết hàng loạt được phỏng đoán là do khí hậu khắc nghiệt. Khu vực này là vùng núi, buổi sáng trời nắng nóng nhưng đến tối lại lạnh, nhiệt độ xuống thấp từ 6 - 7 độ. Có thể thời điểm chín, tằm nhạy cảm hơn nên dễ ốm bệnh hơn.
Việc đám tằm bị chú ý quá mức cũng được đề cập tới. Đông Paulo chia sẻ, dù đã yêu cầu một số người nhất định lo việc chăm sóc tằm, dường như nhiều người lạ ở bản tò mò muốn xem nhiều xem "sâu Việt Nam" thế nào đã vào khu vực nuôi mà không kiêng cữ.
Đông Paulo đau xót cho hay, dự án nuôi tằm là sắn lần này đã thất bại hoàn toàn. Nguyên cả ngày anh ở khu nuôi tằm để dọn dẹp, nhặt lựa ra những con còn khỏe để cách ly, hy vọng chúng sẽ chín và có thể dùng làm thức ăn.
Nhưng ông chủ trang trại người Việt tại Angola cũng khẳng định, sẽ không bỏ cuộc. Anh "cầu cứu" dân mạng bắt bệnh, hiến kế để có thể nuôi tằm lá sắn tốt hơn, còn nhăm nhe "sau này chắc mang giống sang vào mùa nóng để xem có khác biệt không".