Không được ví như "đại gia" trồng cây có múi nhưng với 11 ha trồng cam Vinh, cam đường và bưởi da xanh, diện tích nhà vườn của anh Bùi Xuân Chỉnh, thôn Đồng Quýt được coi là khá lớn ở xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn.
Anh Bùi Xuân Chỉnh, một "đại gia" trồng cây có múi ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.
"Đối với cây có múi trở về trước tốc độ phát triển diện tích cây có múi ở trong ngưỡng thị trường cho phép. Nhưng sau này tôi nghĩ khó khăn hơn, sản lượng cây có múi đang có chiều hướng dư thừa", anh Chỉnh cho biết.Là một trong những người đầu tiên đưa cây có múi về trồng thay thế cây vải, anh Chỉnh chia sẻ, với 150 cây giống mang về từ huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, ban đầu do chưa có kinh nghiệm và làm một cách tự phát nên cũng 5 lần 7 lượt thất bại, đến nay sau gần 15 năm gây giống, vườn cây của anh có khoảng 10.000 cây, nhưng chỉ còn lại khoảng 10 cây giống từ thời điểm mang về trồng.
Ý kiến của anh Bùi Xuân Chỉnh cũng là những trăn trở của nhiều nhà vườn ở xã Tân Mộc. Ước tính đến nay diện tích cây có múi toàn huyện Lục Ngạn đã đạt đến 6.500 ha, tăng hơn 2.000 ha so với năm 2016. Trồng cây có múi vẫn là hướng đi cho lợi nhuận khủng, chỉ cần một vụ “được mùa được giá” nông dân sẽ có tiền tỷ trong tay, vậy nên, không chỉ riêng xã Tân Mộc mà nhiều nơi trong tỉnh Bắc Giang nông dân bỏ lúa và nhiều cây trồng khác để trồng cây có múi cũng là điều dễ hiểu.
Vườn cam trĩu quả của anh Chỉnh chờ thu hoạch. |
Ông Trương Xuân Sen, ở xóm 3, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc cho biết, ông bắt đầu trồng từ năm 2000, lúc đầu chưa có kinh nghiệm cũng bị hỏng đến lần thứ 3 mới thành, đến năm 2008 mới đưa vào đại trà, lúc bấy giờ vải rẻ thì cưa vải đi rồi trồng cây có múi. Rồi trồng đến năm 2010 lúc đó mới ổn định. Toàn bộ diện tích hiện nay là cây có múi. So với vải thì cây có múi giá trị kinh tế cao ở chỗ là 1 cây vải to thì vẫn diện tích đó họ trồng được 3 đến 4 cây cam đường canh. Mà cam đường canh cho sản lượng rất cao cho nên năng suất nhiều lên và trong khi đó giá lại cao hơn.
Thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, diện tích cây ăn quả có múi đang tăng trưởng chóng mặt. Đơn cử, năm 2017, đã có 22.000 ha cây ăn quả có múi “phình ra” so với năm 2016. Trong đó, diện tích cam hiện tại là 90.000 ha, tăng 10.000 ha; diện tích bưởi tăng 13.000 ha so với năm 2016…
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn, so với quy hoạch mà tỉnh Bắc Giang phê duyệt, diện tích cây có múi còn có thể mở rộng thêm khoảng 500 ha. Tuy nhiên trước tình hình phát triển cây có múi một cách ồ ạt ở nhiều địa phương hiện nay tạo áp lực lớn về thị trường tiêu thụ.
Những đồi cây có múi thay thế đồi vải trước đây. |
Định hướng của huyện thời gian tới là đa dạng hóa các loại cây trồng tránh tình trạng "bỏ trứng vào 1 giỏ" gặp nhiều rủi ro khi biến động thị trường, tập trung thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác đi liền với đó phải có các nhà máy chế biến để nâng cao giá trị và hiệu quả thật sự của cây ăn quả.
"Muốn phát triển phải chế biến sâu. Để chế biến ổn định cần có chính sách cho các doanh nghiệp làm sao đó để vùng nguyên liệu ổn định. Hiện nay đã quy hoạch cơ bản theo đúng định hướng, tuy nhiên cũng phải nói rằng nếu như không thật sự năng động, cứ bám vào cây có múi cũng rất nguy hiểm bởi khắp nơi đều có thể trồng được các loại cam, bưởi khác nhau. Cây này không phải cây khó tính và chất lượng không hơn hẳn ở vùng này với vùng khác, không có sự khác biệt rõ ràng thì chắc chắn là rất khó trong quá trình tiêu thụ", ông Bình cho hay.
Về quy hoạch đối với cây có múi, theo quy định mới là không có quy hoạch, và tới đây cũng sẽ không có, đặc biệt là với những loại cây diện tích trồng không ở diện phổ biến như cây có múi. Tuy nhiên, các địa phương cần phát triển cơ cấu cây trồng hợp lý, trong đó có diện tích trồng cây có múi, giảm tối đa tình trạng "được mùa mất giá", thị trường phải tham gia giải cứu nông sản./.