Các công ty tài chính sa sút vì dịch bệnh
Trong 2 năm trở lại đây, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều người lao động mất việc làm hoặc giảm thu nhập đã dẫn đến nhiều khó khăn cho các công ty tài chính. Đặc biệt, trong quý 3/2021, làn sóng COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam buộc nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách kéo dài, kết quả kinh doanh của các công ty tài chính đi xuống rõ rệt.
Thông tin tại Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm của nhóm các công ty tài chính do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, tổng dư nợ tín dụng của các hội viên đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu bình quân 9-10% trong khi tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 đạt khoảng 6% và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.
Trong đó, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của FE Credit đạt 11.900 tỷ đồng, thấp hơn mức 13.000 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2020 và 13.500 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019. Trong quý 3/2021, công ty này đã ghi nhận lỗ 300 tỷ đồng, kết quả chưa từng có của công ty tài chính đứng đầu Việt Nam.
Hay tại HD Saison, dư nợ cho vay đến cuối tháng 9/2021là 12.305 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng trong quý 3. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ổn định ở mức 5,8% trong 2 quý đầu năm thì đến hết quý 3 đã tăng lên 7,4%. Còn tại M Credit, 9 tháng đầu năm, công ty tài chính tiêu dùng này ghi nhận doanh thu đạt 3.190 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 432 tỷ, tăng 105%. Ước tính, riêng trong quý 3/2021, doanh thu của M Credit đạt 1.022 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 86 tỷ đồng, giảm mạnh so với 2 quý trước đó.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia Fintech cho rằng, đối tượng vay vốn chủ yếu là những người lao động có thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội, địa bàn cho vay bao trùm khắp các địa phương với những món vay nhỏ lẻ, lãi suất cho vay cũng cao hơn nhiều so với hệ thông ngân hàng. Trong bối cảnh dịch bệnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động và sự hiểu biết của các đối tượng vay cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, nợ xấu tăng mạnh.
P2P Lending vẫn duy trì lãi suất huy động cao
Một kênh dẫn vốn khác được ưa chuộng đó là mô hình cho vay ngang hàng ( P2P Lending ). Nhưng bên cạnh các công ty làm ăn chân chính thì nổi lên nhiều công ty trá hình, lãi suất cho vay “cắt cổ” và lừa đảo khách hàng. Vừa qua, Bộ Công an cũng đã có cảnh báo về việc một số đối tượng người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến, điển hình như ứng dụng “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online” từng bị lực lượng Công an triệt phá.
Mô hình P2P Lending hiện vẫn duy trì mức lãi suất dao động từ 15-18%/năm, tương đương 1,5%/tháng hấp dẫn những người có nguồn tiền nhàn rỗi và trở thành xu hướng trên thị trường tài chính (ảnh minh hoạ)
Ở góc độ nhà đầu tư, mô hình này hiện vẫn duy trì mức lãi suất dao động từ 15-18%/năm, tương đương 1,5%/tháng. Từ đó, P2P Lending càng là kênh đầu tư hấp dẫn cho những người có nguồn tiền nhàn rỗi và trở thành xu hướng trên thị trường tài chính.
“Đối với nhà đầu tư thì việc lãi suất 18%/năm, thậm chí có những app cho vay online đang quảng cáo tới gần 20%/năm là con số rất hấp dẫn so với lãi suất gửi ngân hàng. Song vấn đề lãi suất, nguồn vốn, năng lực thẩm định, quy trình thu hồi nợ... cũng cần có hướng dẫn rõ ràng, vì hiện tại nhiều doanh nghiệp vẫn căn cứ mức trần không quá 20%/năm để trả lãi cho người đầu tư, nhưng mức phí của ứng dụng thì “vô tội vạ”, có ứng dụng thu phí lên tới hơn 100% gây hệ lụy vô cùng xấu, nhiều hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Mức lãi 18-20% cộng với mức phí còn cao hơn lãi là gánh nặng rất lớn đè lên vai người vay.
Đối với các công ty P2P Lending hiện nay, mặc dù đang gặp thách thức vì đại dịch, nhưng đây cũng là cơ hội để nâng cao hơn nữa năng lực thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay cho đảm bảo. Nếu không, khi nợ xấu xảy ra, các công ty này sẽ phải gánh khoản lãi 18-20%/năm của người vay cho nhà đầu tư, như một quả “bom nợ” hẹn giờ, chỉ một số nhà đầu tư đến hạn không nhận được lãi/gốc, sẽ phát nổ và sụp đổ hệ thống”, ông Hoàng phân tích.
Đồng quan điểm trên, LS. Vũ Minh Tiến, đại diện công ty luật VIAD cũng đánh giá, có nhiều nhóm công ty cho vay nặng lãi, dùng các phương thức lách luật. Ví dụ, mức lãi suất cho vay ban đầu không vượt quá quy định pháp luật, nhưng sau đó khách hàng bị tính phí phạt cao ngất ngưởng nếu trả chậm hoặc vi phạm điều khoản nào đó, trong khi mức phạt là do các bên tự thoả thuận, không nằm trong quy định. Ngoài ra, mức lãi suất cũng được cộng trước vào khoản vay, sau đó phải trả trước lãi suất, nên người vay chỉ được nhận khoản tiền đã bị trừ lãi.
Siết quy định phù hợp
Phát biểu tại một Hội thảo về tín dụng mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh, với sự phát triển của khoa học công nghệ thì “ tín dụng đen ” ngày càng tinh vi, phức tạp và khó nhận diện qua hình thức trực tuyến. Hoạt động tín dụng đen không chỉ đơn giản cho giữa người cho vay đi vay mà còn hoạt động có tổ chức, không chỉ cho vay mà còn liên kết với cá độ bóng đá, cờ bạc, mại dâm...
Theo Phó Thống đốc, cho vay tiêu dùng là xu hướng phát triển của thế giới. Nhưng cần quản lý cho vay ra sao để đúng hướng và đảm bảo tính chất tín dụng chính thức. Hiện NHNN đang làm rõ quy trình, đưa vào quản lý chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng tiêu dùng, cả biện pháp trực tiếp và gián tiếp.
“Theo Luật quy định, quan hệ tín dụng giữa người dân và công ty tài chính là lãi suất thỏa thuận. NHNN có thể không can thiệp được mức lãi suất, tuy nhiên, công ty tài chính nào cho vay quá cao không khác gì tín dụng đen, cơ quan quản lý sẽ có biện pháp gián tiếp để hạn chế hoạt động cho vay của các tổ chức này”, ông Đào Minh Tú khẳng định.
Thực tế, độ an toàn của mô hình P2P Lending dựa trên năng lực tài chính, khả năng trả gốc và lãi của người vay. Do đó, nếu mức lãi 18-20% cộng với mức phí (do các app online tự quy định) sẽ là áp lực vô cùng lớn cho người đi vay, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau dịch bệnh.
Ông Nguyễn Minh Hoàng cũng bày tỏ, nếu như các nhà đầu tư và các công ty tài chính, các app online có thể san sẻ gánh nặng bằng cách giảm thấp lãi, phí thì sẽ tạo điều kiện rất lớn và thiết thực cho người vay. Người vay có an toàn thì nhà đầu tư và các app online mới an toàn, bền vững.
Đặc biệt, cần phải xử lý nghiêm và triệt để các tổ chức “tín dụng đen” đội lốt hình thức cho vay trực tuyến qua các app. Bởi điều này không chỉ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho khách hàng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của những công ty tài chính làm ăn nghiêm chỉnh, về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường chung. Tuy nhiên, bên cạnh sự đấu tranh quyết liệt của lực lượng công an, cũng cần sự chung tay của các cấp, các ngành, sự nâng cao cảnh giác của mỗi người dân.