Nước Mỹ kẹt trong thế khó khi mà đại dịch Covid-19 đã trở thành thảm họa nhưng sự tranh cãi giữa 2 đảng tại quốc hội về kế hoạch của chính quyền Donald Trump chưa dừng. Nỗ lực của Fed cũng chìm nghỉm.
Fed hành động chứng khoán vẫn xuống đáy 4 năm
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ chứng kiến thêm một phiên lao dốc mới cho dù Tổng thống Donald Trump đã tung ra một loạt các kế hoạch giải cứu nền kinh tế, trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng vừa đồng thuận đưa ra những biện pháp chưa từng có, gồm một chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn.
Chốt phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ giảm hơn 582 điểm (tương đương giảm 3,1%) xuống dưới 18,6 ngàn điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016..
Chỉ số này đã giảm gần 37% chỉ trong vòng hơn 1 tháng, kể tử đỉnh cao trên 29.400 điểm ghi nhận hôm 14/2/2020.
Chỉ số tầm rộng S&P 500 của Mỹ cũng giảm 2,9% xuống 2.237 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm nhẹ 0,3% xuống còn 6.861 điểm. Như vậy, tất cả các chỉ số chứng khoán của Mỹ đều giảm trên 30% so với đỉnh cao khoảng một tháng trước đây và đều rơi vào một thị trường giá xuống (bear market).
Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm và xuống mức thấp nhất trong 4 năm bất chấp Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tung ra một kế hoạch giải cứu chưa từng có: một chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn.
Chứng khoán Mỹ tụt giảm trong hơn 1 tháng qua. |
Cụ thể, Fed sẽ mua trái phiếu và chứng khoán có tài sản đảm bảo với khối lượng không giới hạn để bơm tiền vào nền kinh tế và thiết lập các chương trình cho vay khối lượng lớn để đảm bảo dòng chảy tín dụng thông suốt tới các doanh nghiệp và các chính quyền địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 lan mạnh với số người lây nhiễm tại Mỹ đã vượt 43 ngàn người, trong đó có 545 người tử vong. Trên toàn thế giới, đã có gần 380 ngàn người nhiễm SAR-CoV-2, với gần 16,5 ngàn người chết.
Trong tuyên bố của mình, ngân hàng trung ương Mỹ đã dùng tới cụm từ “không giới hạn” (unlimited) để nói về các khoản tiền mà cơ quan này sẽ sử dụng cho hoạt động mua tài sản sắp tới.
Đây cũng là lần đầu tiên Fed can thiệp vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nó cho thấy mức độ trầm trọng của nền kinh tế do những gián đoạn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm đêm qua, bất chấp Fed đưa ra chương trình kích thích chưa từng có. Giới đầu tư thất vọng vì quốc hội Mỹ chưa thông qua gói hỗ trợ tài khóa. |
Trước đó, Fed cũng đã có một cú đảo chiều chính sách gây sốc: trong vòng hơn 1 tuần đã hạ lãi suất 150 điểm phần trăm từ mức 1,5-1,75% xuống còn 0-0,25% nhằm bơm thêm tiền vào vực dậy nền kinh tế.
Sở dĩ chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm dù Fed mạnh tay là bởi vì dự luật của chính quyền ông Donald Trump về gói gói kích thích tài khoá lớn nhằm bù đắp tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế đã bị quốc hội Mỹ bác lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 24 giờ.
Giới đầu tư lo ngại, nếu quốc hội Mỹ tiếp tục chần chừ thì thiệt hại đối với nền kinh tế lại càng lớn.
Chờ một cú huých lớn
Theo CNBC, dự luật về gói kích thích tài khoá lớn của chính quyền ông Donald Trump chưa được thông qua là bởi đã không thể "vượt qua" rào cản về thủ tục quan trọng (key procedural hurdle).
Fed công bố kế hoạch mua tài sản chưa từng có. |
Những vướng mắc ở Thượng viện xảy ra bất chấp trước đó Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã rất lạc quan và cho biết quốc hội Mỹ đã tiến đến “rất gần” với việc thống nhất về một gói hỗ trợ tài chính, lưu ý rằng sẽ được thúc đẩy để thực hiện vào “ngày hôm nay”, tức đêm qua (giờ Việt Nam).
Trước đó, Bộ Tài chính và ngân hàng trung ương Mỹ Fed đã lên kế hoạch về gói hỗ trợ vốn 4 ngàn tỷ USD để giúp doanh nghiệp đối phó dịch Covid-19. Với khoản tiền khổng lồ này, chính quyền ông Trump tin sẽ sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua 90-120 ngày sau đó.
Chương trình cho vay này sẽ được thực hiện cùng gói kích thích tài khóa trị giá 2 ngàn tỷ đồng đang được thảo luận tại quốc hội Mỹ và đã thất bại trong phiên bỏ phiếu đêm qua.
Không chỉ dừng lại ở các chương trình này, chính quyền ông Trump có thể đưa thêm các biện pháp hỗ trợ nếu cuộc khủng hoảng không giảm trong 10 đến 12 tuần tới.
Nước Mỹ đang ở trong tình cảnh bi đát hiếm có với khoảng 1/4 dân số, với khoảng 80 triệu người đang trong tình trạng cô lập do nhiều bang phong tỏa ở các mức độ khác nhau. Cũng trong ngày đầu tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn tuyên bố thảm hoạ do dịch bệnh Covid-19 tại 3 bang New York, Washington và California của nước này. Việc phê chuẩn tình trạng thảm họa sẽ cho phép chính phủ sử dụng ngân sách liên bang hỗ trợ các bang đang gặp khó khăn.
Ông Donald Trump đang đưa ra các gói chính sách tài khóa lớn. |
Trong 2 đạo luật Covid-19 đã được thông qua trước đó (1 đạo luật trị giá 8,3 tỷ US và 1 đạo luật hơn 100 tỷ USD), ông Trump đặt trọng tâm trợ giúp những người thu nhập thấp và trung bình, ngược với nhiều quốc gia (vốn tập trung vào việc cứu giúp các doanh nghiệp và khôi phục sản xuất trong các gói trợ giúp kinh tế). Đạo luật khẩn cấp đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tăng cường công tác phòng và ngăn ngừa dịch bệnh và giúp những người nghèo thu nhập thấp, những người không có bảo hiểm hoặc bảo hiểm không chi trả việc xét nghiệm Coronavirus thì sẽ được chính phủ chi trả toàn bộ.
Hôm 18/3 Tổng thống Trump lại ký đạo luật thứ hai có tên Family First Coronavirus Response Act, trị giá trên 100 tỷ USD, cũng đặt các gia đình có thu nhập thấp và trung bình là ưu tiên cao nhất, giúp chính quyền ngay lập tức chi trả các khoản tiền cho những người lao động bị mất việc tạm thời, hoặc những người phải nghỉ 14 ngày do bị cách ly hoặc phải chăm sóc người thân trong gia đình bị nhiễm bệnh.
Như vậy, sau khi giải cứu người nghèo Mỹ, các gói giải cứu tiếp theo đang tập trung nhắm tới doanh nghiệp và có quy mô cực lớn, có thể là 2 ngàn tỷ, 4 ngàn tỷ hoặc lớn hơn nữa. Đây là những gói sẽ có tác động rất lớn.
Một khi được giải cứu và dịch Covid-19 có dấu hiệu đạt đỉnh thì TTCK Mỹ sẽ tăng trở lại, thị trường tài chính và hàng hóa sẽ ổn định. Nhưng giá vàng được dự báo sẽ gia tăng trong bối cảnh thế giới ngập tiền giá rẻ.
M. Hà