Các quy định liên quan tới phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu đã lỗi thời. Các chuyên gia cho rằng cần thay đổi, bãi bỏ để phù hợp với thực tế.
Mới đây, Bộ Khoa học - Công nghệ đã có tờ trình Dự thảo về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật, liên quan tới phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu.
Thay thế quy định không còn phù hợp
Nhằm thực hiện thực hiện "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học - Công nghệ đã ban hành nhiều quy định liên quan tới phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu được quy định trong Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN và Thông tư 05/2012/TT-BKHCN.
Tuy nhiên, tới nay, nhiều quy định liên quan tới 2 vấn đề này về đã không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó, Bộ Khoa học - Công nghệ đã ngiên cứu thay đổi quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu, để phù hợp với thực tế.
Trao đổi gần đây, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hội Cơ khí, cho hay, việc chấm dứt hiệu lực của Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN và Thông tư 05/2012/TT-BKHCN đều do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành trước đây là hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Điều này cũng gỡ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam khỏi những quy định đã không còn phù hợp để chuyển sang giai đoạn phát triển mới, phù hợp với thực tiễn hơn.
Các quy định liên quan tới phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu đã lỗi thời. |
Vẫn còn những tranh cãi
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một DN sản xuất và lắp ráp ô tô Việt Nam cho biết trong Dự thảo của Bộ Khoa học - Công nghệ có 2 nội dung cần bàn kỹ vì sẽ liên quan đến sự phát triển của công nghiệp ô tô tương lai.
Thứ nhất là phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa ô tô. Trên thực tế, quy định này được nêu rất rõ tại Quyết định 28, được Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành vào năm 2004. Tuy nhiên, cho tới nay, các văn bản pháp luật này này đã không còn phù hợp với chiến lược phát triển ngành ô tô.
Theo vị lãnh đạo này, vài năm gần đây, Việt Nam đã tham gia khá nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó quan trọng nhất là hiệp định thương mại hàng hóa với ASEAN (ATIGA). Vì vậy, theo cam kết của các hiệp định thương mại, Việt Nam phải “chơi” theo luật của quốc tế.
Ví dụ, tại Quyết định 28 quy định, trong năm 2005 tỷ lệ nội địa hóa của các loại ô tô phổ thông sẽ phải đạt 30%, đến năm 2006 con số này sẽ phải đạt 50%. Và theo yêu cầu, mỗi năm, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng dần.
“Mục đích chính của Quyết định 28 là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đây là điều cần thiết để nâng cao chất lượng ngành sản xuất ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ nội địa. Hiện nay, trong khu vực ASEAN chỉ có duy nhất Việt Nam vẫn tồn tại quy định này. Tuy nhiên, chúng ta lại đang trong quá trình hội nhập, phải thực hiện theo thông lệ quốc tế, nên việc thay đổi phương pháp này là điều cần thiết”, lãnh đạo DN đề xuất.
Thứ hai, liên quan tới mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu. Khác với tỷ lệ nội địa hóa, việc thay thế quy định liên quan tới mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu đang có sự tranh cãi giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp sản xuất ô tô. Thậm chí, giữa các doanh nghiệp ô tô cũng có ý kiến trái chiều, nên hủy bỏ hay giữ lại.
Theo quy định cũ, các linh kiện nhập khẩu thường phải đi theo cụm, đi kèm nhiều chi tiết khác nhau. Ví dụ, một chiếc ghế trong ô tô gồm 3 mảnh, thì phải nhập khẩu cả 3 mảnh đó cùng một nơi xuất xứ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều từ việc nhiều quốc gia đối tác gỡ bỏ thuế quan. Từ đó, doanh nghiệp mong muốn rời rạc các chi tiết nhỏ, để tối ưu chi phí.
Trở lại vấn đề chiếc ghế trong ô tô, với 3 mảnh khác nhau, một số doanh nghiệp thích nhập về từng linh kiện nhỏ, rời rạc về nước lắp ráp để tối ưu chi phí. Có thể, một số bộ phận được nhập từ các đối tác trong nước, một số linh kiện khác nhập khẩu từ các đối tác khác, hoặc từ quốc gia khác. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp không muốn, họ muốn nhập cả cụm về để kiểm soát tỷ lệ nội địa hóa trong nước.
Như vậy, riêng trong ngành ô tô đã có sự tranh cãi. Tuy nhiên, trên quan điểm sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đang theo định hướng toàn cầu, việc lựa chọn nhập khẩu đối tác nào, nhà cung cấp nào là quyền riêng của DN là xu hướng được nhiều đơn vị ủng hộ. Vì vậy, việc cơ quan quản lý nhà nước (Bộ KH&CN) xây dựng quy định cứng mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu là không còn phù hợp và cần thiết”, vị này nói.
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng: Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, các doanh nghiệp trong nước ngoài việc sản xuất, lắp ráp ô tô phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, cũng đã tham gia xuất khẩu ô tô sang các nước khác trong khu vực và thế giới theo sự phân công của các hãng ô tô toàn cầu.
Theo đó, các hãng ô tô sẽ chỉ định các nhà máy tại mỗi quốc gia thực hiện nội địa hóa linh kiện khác nhau dựa trên thế mạnh của các nước, nhằm đảm bảo tỷ lệ nội khối đạt tối thiểu theo mức yêu cầu để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% khi xuất khẩu trong nội khối, theo từng quy định trong các hiệp định thương mại.
Do đó, các quy định liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa đã không còn phù hợp, nên từ phía cơ quan chuyên ngành về sản xuất công nghiệp, ô tô đồng tình về việc bãi bỏ quy định này.
Mạnh Phan