Có một số điểm mới trong Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến rộng rãi. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Việc sửa đổi Thông tư 43 của Ngân hàng Nhà nước nhằm chấn chỉnh những vấn đề nóng trong hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thời gian qua
Hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng
Dự thảo Thông tư bổ sung quy định về hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Cụ thể, có 2 hình thức giải ngân, bao gồm: Thứ nhất là giải ngân thông qua bên thụ hưởng (bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ) trên cơ sở hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho khách hàng; Thứ hai là giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay.
Đối với giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay, Dự thảo quy định, công ty tài chính chỉ giải ngân trực tiếp đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Lý do, theo Ngân hàng Nhà nước, căn cứ thực trạng cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tại Việt Nam, cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, quy định này sẽ tác động lớn tới hoạt động cho vay của các công ty tài chính, cũng như đến việc tiếp cận các khoản vay của khách hàng. Hiện chưa có thống kê về tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng nhưng có thể thấy hoạt động này đang gia tăng khá mạnh thông qua các gói vay tiền mặt. Các công ty tài chính đều đang có những gói sản phẩm vay tiền mặt với hạn mức khá cao, có thể lên đến vài trăm triệu đồng.
Cùng với đó, trong điều kiện hoạt động cho vay trả góp đang dần trở nên bão hòa với sự góp mặt của hàng loạt tên tuổi lớn như Home Credit, FE Credit, HD Saigon hay Dr Dong... thì các “tân binh” muốn nhảy vào thị trường này sẽ buộc phải ưu tiên phân khúc cho vay tiền mặt. Đơn cử như hồi cuối năm ngoái, Easy Credit - thương hiệu của EVN Finance khi ra mắt thị trường đã tung ra gói vay tiền mặt cho khách hàng có thu nhập chỉ từ 4,5 triệu đồng trở lên. Hay trước đó không lâu, SHB Finance cũng đưa ra nhiều gói sản phẩm vay tiền cho nhóm khách hàng có mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng trở lên. Vì vậy, việc hạn chế tỷ trọng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay được cho là động thái siết lại các nguy cơ rủi ro, song chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính.
Mâu thuẫn với đề án đẩy lùi “tín dụng đen”?
Bên cạnh đó, quy định trên cũng được cho là có thể cản trở mục tiêu dùng tín dụng chính thức để đẩy lùi “tín dụng đen” mà Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực thúc đẩy. Một trong những giải pháp cho mục tiêu này được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là thúc đẩy cho vay tiêu dùng của các ngân hàng, công ty tài chính nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Vì vậy, theo các chuyên gia, với việc siết cho vay tiền mặt như Dự thảo Thông tư lần này, vô hình trung đã tự hạn chế sự phát triển của một công cụ hữu hiệu trong việc chống “tín dụng đen”. “Muốn diệt trừ “tín dụng đen” thì phải để các ngân hàng, công ty tài chính có một môi trường cho vay tiêu dùng một cách tốt nhất. Vừa muốn khống chế “tín dụng đen”, lại vừa khống chế hoạt động cho vay của các ngân hàng, công ty tài chính thì hai điều này rõ ràng là mâu thuẫn với nhau” - chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Theo vị chuyên gia này, bản thân các công ty tài chính sẽ tự xác định tỷ lệ giải ngân phù hợp, căn cứ vào danh mục khách hàng và từng khách hàng cụ thể. “Hãy để các công ty tài chính tự làm chuyện đó vì chỉ có họ mới hiểu khách hàng của họ, không nên dùng công cụ hành chính để khống chế trần như thế” - TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Không đe dọa, không được đòi nợ người thân khách hàng
Một điểm mới trong Dự thảo Thông tư lần này, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi quy định về các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ. Theo đó, các công ty tài chính phải có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật. Trong đó, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng. Đặc biệt, không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, xảy ra tình trạng một số công ty tài chính nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, gây bức xúc dư luận. Vì vậy, quy định tại dự thảo Thông tư nhằm hạn chế tình trạng này.
Theo các chuyên gia, quy định này của Dự thảo Thông tư là cần thiết, trong bối cảnh hoạt động đòi nợ của các công ty tài chính “nóng” suốt một thời gian dài. Không ít công ty tài chính khi nợ khó đòi thì dùng đòn “khủng bố” kiểu “xã hội đen” đối với không chỉ người đi vay mà cả người thân của người đi vay tiền. Thậm chí, cả những người không quen biết cũng rơi vào trường hợp khóc dở mếu dở vì bỗng nhiên bị đòi nợ chỉ vì ai đó đưa số điện thoại của họ vào danh sách số điện thoại tham chiếu trong hợp đồng vay tiền, hay vô tình sử dụng lại số điện thoại của người từng vay tiền của công ty tài chính.
“Mục đích của việc này là dùng người thân để tạo áp lực cho khách hàng để họ phải trả nợ. Tuy nhiên, hành vi này vi phạm quyền riêng tư của mỗi người, gây rối loạn trật tự xã hội. Chính vì thế việc sửa đổi, bổ sung này là hoàn toàn hợp lý, chặt chẽ hơn và theo đúng quy định của pháp luật” - TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ sự đồng tình.
Theo vị chuyên gia, những quy định mà Ngân hàng Nhà nước bổ sung vào Dự thảo Thông tư lần này, mục tiêu là để hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, cách tốt nhất để vừa thúc đẩy hoạt động cho vay thuận lợi, vừa đảm bảo giảm thiểu tối đa nợ xấu thì bản thân các công ty tài chính phải có chính sách tín dụng phù hợp với điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp và tuân thủ tuyệt đối chính sách đó. Thứ hai là phải tuân thủ luật pháp, trên cơ sở hiểu được các nhu cầu người dân, doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu đó.
“Điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ phải khuyến khích các công ty tài chính như mở rộng đối tượng cho vay, mở rộng quy trình vay, xét đơn một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn, nhưng phải trong khuôn khổ luật pháp, khuôn khổ quản trị rủi ro của các doanh nghiệp” - chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Theo Dự thảo Thông tư mới, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng. Đặc biệt, không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính.
Điều này được giới chuyên gia cho là cần thiết, trong bối cảnh không ít công ty tài chính khi nợ khó đòi thì dùng đòn "khủng bố" kiểu "xã hội đen" đối với không chỉ người đi vay mà cả người thân của người đi vay tiền. Thậm chí, cả những người không quen biết cũng rơi vào trường hợp khóc dở mếu dở vì bỗng nhiên bị đòi nợ chỉ vì ai đó đưa số điện thoại của họ vào danh sách số điện thoại tham chiếu trong hợp đồng vay tiền, hay vô tình sử dụng lại số điện thoại của người từng vay tiền của công ty tài chính.