Ngày 12-6, thảo luận tại hội trường về dự án luật xuất cảnh , nhập cảnh của công dân Việt Nam (VN), đại biểu (ĐB) Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đã đề xuất thêm một loại phí 3-5 USD, gọi là “phí chia tay” khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài…
Công dân ra nước ngoài có trách nhiệm đóng góp
ĐB Hưng nói: Một số nước đã áp dụng chính sách visa và phí xuất nhập cảnh để điều chỉnh việc xuất nhập cảnh của công dân, nước không khuyến khích công dân xuất cảnh thì người ta áp dụng thuế hoặc phí. Nhật Bản đã có luật và áp dụng từ tháng 1-2019, mỗi công dân Nhật Bản khi ra nước ngoài phải đóng phí gọi là phí chia tay 1.000 yen/người (khoảng 9,3 USD). Phí này người ta sử dụng để thực hiện một số dự án nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản cũng như hoàn thiện việc xuất nhập cảnh cho công dân được tốt hơn. Đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông du lịch ở một số vùng còn khó khăn và thực hiện một số chính sách khác.
“Vì vậy, tôi nghĩ công dân VN ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền gọi là phí chia tay khoảng 3-5 USD/người khi xuất cảnh và trích cho các cơ quan ngoại giao có kinh phí bảo hộ, hỗ trợ công dân khi ra nước ngoài gặp khó khăn…” - ông nói. Cũng theo ông Hưng, số tiền này cũng có thể dùng để cơ quan xuất nhập cảnh VN đầu tư nâng cấp máy móc, kỹ thuật cũng như những việc khác để phục vụ công tác xuất nhập cảnh, đầu tư xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh của đất nước… “Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, học hỏi các nước để chúng ta có nguồn lực góp phần bảo hộ công dân tốt hơn” - ĐB này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị dự luật phải quy định “công dân có quyền được Nhà nước bảo hộ được quyền hợp pháp khi ra nước ngoài; tuân thủ pháp luật, tập quán của nước sở tại đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa của người Việt…”.
Trước đề xuất của đại biểu về việc thu “phí chia tay” khi xuất cảnh , nhiều chuyên gia cho rằng việc thu phí này cần có đề án, giải pháp rõ ràng để người dân đồng thuận. Ảnh: HOÀNG GIANG
Coi chừng giống BOT đặt sai chỗ
Bình luận vấn đề trên, ông Phan Đình Huê, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, cho là đề xuất trên sẽ làm người dân có cảm giác “vừa ra khỏi nhà là phải móc túi”.
Mục đích việc thu phí này cần có đề án, giải pháp rõ ràng, minh bạch để người dân đồng thuận. Mặt khác, nếu đánh đồng đi ra nước ngoài là du lịch để thu phí liệu có hợp lý.
Ông cho hay TP.HCM cũng từng đề xuất thu phí qua đêm 2 USD/khách khi đến TP.HCM cũng đã bị dừng lại. Điều kiện kinh tế VN cũng chưa chín muồi cho việc học tập các nước về loại phí này.
Khi xây dựng Luật Du lịch, hiệp hội cũng đã muốn đưa thêm phí vào luật để có nguồn thu cho Nhà nước nhưng đề xuất này đã không được ủng hộ vì cho rằng vi phạm Luật Phí và lệ phí.
Thế giới đã làm việc này từ lâu, khách vào cũng thu phí gọi là phí môi trường, còn khách ra nước ngoài có phí đóng góp, đó là một việc rất cần thiết nhưng chỉ khi nào chúng ta thay đổi quan điểm rằng ngành nào tự lo ngành ấy.
Năm vừa rồi người Việt đi ra nước ngoài hơn 10 triệu người, chúng ta hoàn toàn có thể đóng góp cho ngân sách để làm cho ngành du lịch tốt hơn, nhất là môi trường. Chúng ta kêu gọi phải cải thiện môi trường nhưng không đóng góp, lấy gì để làm?
Ông VŨ THẾ BÌNH, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch VN
Ông cũng cho hay thống kê ngành du lịch cho thấy doanh thu ước đạt 620.000 tỉ đồng và khi xác định nó là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải đầu tư, sao dùng nguồn tiền này vào phục vụ cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch.
Cũng không đồng tình, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cho biết đề xuất trên rất bất hợp lý vì người Việt đã đóng tất cả chi phí khi ra nước ngoài. Nếu có thêm phí chia tay thì ai quản lý, hoạt động ra sao… “Tôi thấy ngay cả dùng từ ngữ phí “chia tay” cũng mơ hồ. Chia tay cái gì, chia tay ai? Việc lạm dụng từ ngữ như nước ngoài để đưa ra ý tưởng như vậy là không khả thi” - ông nói.Ông cũng cho hay thống kê ngành du lịch cho thấy doanh thu ước đạt 620.000 tỉ đồng và khi xác định nó là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải đầu tư, sao dùng nguồn tiền này vào phục vụ cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Redtours, lại đặt câu hỏi, phí được ĐB đề cập có ý nghĩa như thế nào, nếu gọi là “phí chia tay” thì vô duyên, có phải là khoản thu để bảo vệ quyền lợi cho người VN ở nước ngoài hay không, bên cạnh đó còn là việc sử dụng phí thế nào.
“Nếu phí đó để xúc tiến, hỗ trợ phát triển du lịch với người nước ngoài vào VN thì tại sao lại thu của người VN đi, nếu thế khác nào là BOT đặt sai chỗ” - ông Hoan nói.
Người Nhật đánh “thuế chia tay” như thế nào? Từ ngày 7-1-2019, mọi người, gồm cả người Nhật lẫn công dân có quốc tịch khác (trừ một số đối tượng đặc biệt nằm trong danh sách được miễn) sẽ phải trả một khoản tiền 1.000 yen (khoảng 9,2 USD) khi rời khỏi đất nước Nhật vì lý do kinh doanh, làm việc, học tập, y tế... Những người rời khỏi Nhật Bản trong vòng 24 giờ kể từ khi quá cảnh và trẻ em dưới hai tuổi sẽ được miễn thuế. Nhật Bản gọi đây là “thuế chia tay” (sayonara tax). Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch sử dụng nguồn thu từ thuế này để có thể thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài qua việc phát triển các cơ sở du lịch và cải thiện thủ tục nhập cư. Cụ thể, thuế này sẽ được sử dụng để thiết lập cổng nhận dạng khuôn mặt tại các sân bay để làm thủ tục nhập cư nhanh hơn, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng bảng thông tin đa ngôn ngữ, giúp giới thiệu nhiều thiết bị thanh toán điện tử cho phương tiện giao thông công cộng. Chính phủ cũng có kế hoạch để các nhà khai thác giao thông công cộng mở rộng các dịch vụ Internet miễn phí và triển khai các hệ thống thanh toán điện tử…
QUỲNH NHƯ