Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được đánh giá là một dự luật quan trọng, tác động đến mọi doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân. Tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự luật ngày 7-8, một trong những nội dung gây tranh cãi là quy định về dịch vụ đại lý thuế.
Luật sư không học kế toán, sao làm?
Bà Bùi Thị Lệ Phương, Giám đốc Công ty Tài chính Kế toán Thuế Centax, là người đặt ra câu hỏi này. Trước đó, trình bày về dự luật, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, cho hay: Dự thảo đã bổ sung phạm vi hoạt động của đại lý thuế. Theo đó, đại lý thuế được cung cấp dịch vụ tư vấn thuế và dịch vụ kế toán cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Những thủ tục, thi cấp chứng chỉ chứng nhận về đại lý thuế, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đại lý thuế… cũng được đơn giản hóa.
Nhưng bà Phương cho rằng hiện nay các đại lý thuế đang hoạt động rất sôi nổi. Thậm chí là ngay cả các văn phòng luật sư cũng làm nhiệm vụ tư vấn thuế và cung cấp dịch vụ kế toán.
“Luật sư không học kế toán thì làm sao giúp DN được. Đại lý thuế lại được cung cấp dịch vụ kế toán thì không ổn. Bộ Tài chính vừa ra ba thông tư về kế toán rất chặt chẽ, mà giờ dự thảo luật thuế lại thế này thì không ổn” - bà Phương nhận định.
Dẫn ra một trường hợp tại TP.HCM trước đây bị cơ quan thuế truy thu 9,1 tỉ đồng vì thuê một đại lý thuế, bà Phương cho rằng việc để cho đại lý thuế cung cấp dịch vụ kế toán là không ổn, cần xem xét lại.
Bà Vũ Thị Hiền, đại diện một công ty có kinh doanh đại lý thuế tại Bắc Giang, cũng đồng tình cho rằng nhiều công ty luật đang làm đại lý thuế nhưng không biết gì về kế toán. Trong khi phải biết về kế toán thì mới làm đại lý thuế được. Từ đó bà Hiền đề nghị: “Dự thảo luật nên có quy định thêm đại lý thuế cần phải có nghiệp vụ kế toán để làm nghề này”.
Bà Hà Thị Tường Vy, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, cũng cho rằng cần phải siết lại vấn đề đại lý thuế. Bởi những nghiệp vụ kế toán là rất cần thiết khi kê khai thuế cho các DN. Nếu không siết lại thì đại lý thuế có thể chẳng những không giúp ích được cho các DN nhỏ, siêu nhỏ mà còn gây tổn hại cho họ.
Tuy nhiên, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Thị Bình An lập luận: Đối với các DN nhỏ, siêu nhỏ, nếu phải thuê cả dịch vụ đại lý thuế và kế toán thì tốn kém chi phí. Bởi vậy, bà Đặng Thị Bình An đề nghị một giải pháp dung hòa. “Có thể cần có quy định để các đại lý thuế phải có chứng chỉ về kiểm toán” - bà An nói và khẳng định điều này sẽ giải quyết được những lấn cấn mà các đại biểu nêu ra.
Bà Bùi Thị Lệ Phương: "Luật sư không học kế toán thì làm sao giúp doanh nghiệp được". Bà Đặng Thị Bình An: "Nếu phải thuê cả dịch vụ đại lý thuế và kế toán thì tốn kém chi phí". Ảnh: CHÂN LUẬN
Chủ DN chết là hết thuế
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định: Dự luật này có những sửa đổi lớn về các nguyên tắc thuế, hồ sơ, thủ tục thuế, giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế… Dự luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.
“Các sửa đổi này sẽ tác động toàn diện và ảnh hưởng lớn tới hoạt động liên quan đến thuế của các DN hoạt động trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Không ai là không liên quan tới thuế. Vì vậy, góp ý cho dự thảo này là rất quan trọng” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Trình bày về nội dung dự luật, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, cho hay: Một trong những điểm quan trọng trong dự luật lần này là bổ sung thẩm quyền xóa nợ với chủ DN tư nhân đã chết. Bởi luật hiện hành chỉ quy định xóa nợ thuế đối với cá nhân đã chết.
Về thẩm quyền, dự luật đề xuất Thủ tướng Chính phủ xóa nợ với trường hợp người nộp thuế nợ thuế từ 10 tỉ đồng trở lên, bộ trưởng Bộ Tài chính có quyền xóa nợ thuế dưới 10 tỉ đồng, tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có thẩm quyền xóa nợ thuế dưới 5 tỉ đồng, cục trưởng Cục Thuế, Hải quan có thẩm quyền xóa nợ dưới 1 tỉ đồng.
Mặt khác, các quy định miễn thuế cũng được bổ sung. Ví dụ, với những người nộp thuế có số thuế phải nộp hằng năm dưới 50.000 đồng thì được miễn thuế. Quy định này, theo ông Huy, áp dụng cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các cá nhân trực tiếp quyết toán thuế từ tiền lương, tiền công.
Tuy vậy, bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, lưu ý: “Những gì sơ suất về thủ tục thì không được dùng để đánh giá là khai man. Nhiều khi công ty sơ suất tí thôi mà lại bị đánh giá là trốn thuế”.
Bỏ nội dung cấm chủ DN xuất cảnh
Sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Tài chính đã xóa bỏ nhiều nội dung tại dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi. Ví dụ, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung chính sách dừng việc xuất cảnh đối với chủ DN, chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, trưởng ban quản trị hợp tác xã... ngừng hoạt động không thực hiện thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, VCCI đề nghị không bổ sung chính sách này vì việc thực hiện thủ tục giải thể, phá sản không thuộc phạm vi của Luật Quản lý thuế. Bộ Tư pháp cũng cho rằng việc bổ sung chính sách trên sẽ dễ gây ra sự nhầm lẫn giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân…
Tiếp thu ý kiến này, Bộ Tài chính đã không bổ sung nội dung này.