Trong khi đó, theo trang Daily Beast (Mỹ), các luật sư đã làm việc với cả Mỹ và Anh trong những trường hợp dẫn độ tương tự cho rằng ông Assange có thể chống lại nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ bằng những lý do tiềm năng như động cơ chính trị và vấn đề sức khỏe.
Hôm 11-4, Ecuador đột ngột rút cơ chế tị nạn và cho phép cảnh sát Anh đến bắt ông Assange. Ngay sau khi bị bắt giữ, ông này bị đưa đến tòa xét xử và bị buộc tội vi phạm các điều kiện tại ngoại của Anh hồi năm 2012 khi trốn tại Đại sứ quán Ecuador để tránh bị dẫn độ đến Thụy Điển đối mặt với các cáo buộc tấn công tình dục. Ông Assange được chính quyền Ecuador khi đó cho phép tị nạn và được cấp quyền công dân vào năm 2017.
Những người biểu tình phản đối việc bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks bên ngoài Đại sứ quán Anh ở thủ đô Berlin - Đức hôm 12-4 Ảnh: Reuters
Dù Thụy Điển đã kết thúc cuộc điều tra đối với Assange từ giữa năm 2017, tòa án Anh vẫn xét xử ông chủ WikiLeaks với tội danh vi phạm thỏa thuận bảo lãnh và ông có thể bị kết án khoảng 12 tháng tù.
Giới quan sát cho rằng nguy cơ lớn hơn đối với ông Assange là bị Anh dẫn độ về Mỹ sau khi Washington vừa công bố cáo trạng về việc ông này đã cấu kết với cựu chuyên gia phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning để tiếp cận máy tính bảo mật của chính phủ, từ đó rò rỉ hàng trăm ngàn tài liệu mật của quân đội Mỹ và thông tin ngoại giao về cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Theo hãng tin Reuters, Bộ Tư pháp Mỹ cho hay ông Assange sẽ đối mặt với án tù 5 năm với các cáo buộc tại Mỹ.
Dự kiến phiên tòa vào ngày 2-5 sẽ quyết định có dẫn độ ông Assange đến Mỹ hay không. Theo đài BBC, lãnh đạo Công Đảng Anh Jeremy Corbyn kêu gọi chính phủ nước này không dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks đến Mỹ.
Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng vụ bắt giữ nói trên là sự trả thù của giới chính trị Mỹ đối với những thông tin bê bối mà WikiLeaks đã công bố.