Các cơ quan vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau liên quan việc tranh chấp quyền sở hữu nhãn hiệu “Trung Nguyên” và “G7 Coffee”. Việc bế tắc hướng giải quyết có một phần lý do đến từ sự chờ đợi phán quyết của Tòa án.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Tài chính, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho ý kiến về báo cáo của Bộ Công Thương liên quan đến giải quyết phản ánh, kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên.
Thông tin riêng của VietNamNet cho biết, kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên quan đến quyền sở hữu nhãn hiệu “Trung Nguyên” và “G7 Coffee”. Đơn kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đề ngày 20/7/2020 có liên quan đến bà Lê Hoàng Diệp Thảo và Công ty TNHH MTV TNI.
Tuy nhiên, đến nay việc giải quyết kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đối với quyền sở hữu nhãn hiệu “Trung Nguyên” và “G7 Coffee” chưa đi đến hồi kết.
Vụ tranh chấp giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn bế tắc |
Theo xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường tại Chi nhánh Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang, hoạt động sản xuất các sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu “G7” và “Trung Nguyên” tại khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) vẫn đang được thực hiện. Hiện tại, con dấu của chi nhánh này vẫn do bà Lê Hoàng Diệp Thảo quản lý.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo có quan hệ hôn nhân và đều là cổ đông của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên. Tranh chấp hôn nhân gia đình, trong đó có phần nội dung liên quan đến phân chia tài sản khi ly hôn, đã được Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM giải quyết bằng Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 5/12/2019.
Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm ngày 31/3/2020 đối với bản án này. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang tiếp tục giải quyết vụ việc tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo theo quy định của pháp luật.
Chính vì thế, quyền sở hữu các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu có phần chữ “Trung Nguyên” và “G7” được nhiều cơ quan đánh giá là thuộc phạm vi tranh chấp về quyền sở hữu đối với các tài sản của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên vẫn đang được tòa án xem xét, giải quyết và chưa có quyết định cuối cùng.
Bộ Công Thương cho rằng: Theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, cơ quan xử lý vi phạm phải từ chối xử lý vi phạm trong trường hợp đơn yêu cầu xử lý vi phạm được nộp khi đang có tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp liên quan.
Biên bản họp thống nhất xử lý đơn kiến nghị, phản ánh của ông Đặng Lê Nguyên Vũ được Tổng cục Quản lý thị trường lập ngày 8/12/2020 cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau của đại diện 5 bộ ngành, đơn vị tham gia.
Tổng cục Hải quan cũng đã nhận được đơn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và đã có văn bản trả lời Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên. Tổng cục Hải quan cho rằng do bản án phúc thẩm đã được kháng nghị giám đốc thẩm, theo đó thực hiện Thông tư 13/2020/TT-BCT, nhãn hiệu đang trong tình trạng tranh chấp và theo quy định của Nghị định 99/2013, không xử lý vi phạm và vẫn chấp nhận thông quan cho các lô hàng của Chi nhánh Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang. Điều kiện đặt ra là doanh nghiệp nội địa phải cung cấp hóa đơn, chứng từ chứng minh lô hàng mua từ chi nhánh tại Bắc Giang.
Lương Bằng