Theo quyết định của Chính phủ vừa được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành, từ ngày 3-2, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế GTGT) tối thiểu là 1.826,22 đồng/KWh; và giá tối đa là 2.444,09 đồng/KWh. So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng/KWh.
Chưa khiến giá điện tăng ngay
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân hiện tại không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất - kinh doanh điện, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu. Do đó, cần thiết phải ban hành khung giá thay thế, là cơ sở để EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Giá bán lẻ điện bình quân được EVN xây dựng căn cứ theo cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ của Thủ tướng Chính phủ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 7-2, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhấn mạnh rằng khung giá bán lẻ điện bình quân là mức sàn và trần để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất - kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân năm 2023. "Với khung này, khi điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân sẽ không thấp hơn mức sàn là 1.826,22 đồng/KWh và không được cao hơn mức trần là 2.444,09 đồng/KWh" - ông Long nhấn mạnh.
Áp lực tăng giá điện đã xuất hiện từ năm 2022, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đang đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính. Giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.864,44 đồng/KWh (chưa gồm thuế GTGT), duy trì từ tháng 3-2019 đến nay. Với khung giá bán lẻ điện bình quân đã nêu trên, giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng hiện thấp hơn mức trần là 579,65 đồng và cao hơn mức sàn 38,22 đồng. Tính toán của EVN hồi giữa năm 2022 cho thấy để hòa vốn, giá bán lẻ điện bình quân phải đạt 1.915,59 đồng/KWh, tăng hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng. EVN cho biết trong năm 2023 tiếp tục gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện, cân đối và huy động vốn đầu tư các dự án điện.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc khung giá bán lẻ điện bình quân tăng chưa làm tăng ngay giá bán lẻ điện bình quân, vốn đứng trước nhiều áp lực phải tăng từ năm 2022. Tuy nhiên, đây là cơ sở quan trọng và cũng là tín hiệu để chúng ta có thể dự báo, giá điện sẽ tăng trong thời gian tới. Có thể giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh tăng từ đầu quý II/2023, sau khi được cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Tăng giá điện sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệpẢnh: HOÀNG TRIỀU
Cần phải hài hòa lợi ích
Về mức tăng, một chuyên gia kinh tế cho rằng sau 4 năm chưa được tăng, EVN đang lỗ nặng, sẽ phải tính toán một mức tăng phù hợp để bù đắp, bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp (DN) ngành điện và tái đầu tư. Tuy nhiên, mức tăng đó cũng phải hài hòa khi DN và người dân đang gặp khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Tại một hội nghị mới đây với Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc điều chỉnh giá điện phải phù hợp với nền kinh tế, thu nhập người dân, giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, DN và nền kinh tế không chịu được. Chuyên gia Ngô Trí Long dự báo giá điện bình quân có thể tăng ở mức khoảng 10% so với hiện hành. Tại lần điều chỉnh tăng gần nhất vào 3-2019, giá bán lẻ điện bình quân vừa được điều chỉnh từ 1.720,65 đồng/KWh lên 1.864,44 đồng/KWh, tăng 8,36%.
Giá điện có tác động trên diện rộng, đối với các ngành sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng lộ trình tăng cần được EVN, các cơ quan có thẩm quyền tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh bảo đảm mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định hoạt động của DN, thì giảm thiểu tác động đến đời sống người dân cũng là mục tiêu cần đặc biệt lưu ý.
Góp ý về lộ trình tăng giá điện, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần cân nhắc đầy đủ các yếu tố, trong đó có bảo đảm cân bằng tài chính cho "nhà đèn", cân nhắc yếu tố điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát, đời sống người dân. "Mức tăng và lộ trình phải bảo đảm tác động nhỏ nhất tới các đối tượng chịu tác động khi điều chỉnh giá" - ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, đồng thời lưu ý: Năm 2023 được dự báo khó khăn, thách thức lớn hơn rất nhiều, nên cần tránh tạo cú sốc về giá điện cho các ngành sản xuất cũng như đời sống của người dân.
Cân nhắc đến đời sống người dân
Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý phương án đề xuất của EVN theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện trên cơ sở đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, đầy đủ tác động đến lạm phát và đặc biệt là đời sống người dân đang còn gặp nhiều khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh vừa qua.
Theo ông Trần Việt Hòa, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo EVN khẩn trương xây dựng các phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.
Bà Quách Thị Lệ Chân, Giám đốc Công ty TNHH Bảo quản rau quả CASS (Long An):
Cần phân nhóm khách hàng hợp lý
Chuyên về bảo quản rau quả bằng hệ thống kho lạnh kèm công nghệ kiểm soát nồng độ các khí: N2, O2, CO2, C2H4… nên chúng tôi sử dụng điện rất nhiều, tiền điện chiếm đến khoảng 50% chi phí hằng tháng. Với giá điện hiện tại, DN đã thấy quá cao, không phù hợp với chủ trương khuyến khích đầu tư vào ngành bảo quản nông sản - góp phần gia tăng giá trị cho nông sản Việt.
Hiện tại, ngoài bảo quản lạnh rau quả, chúng tôi còn thực hiện sơ chế, đóng gói rau quả, xử lý nấm bệnh… nhưng không được xếp vào nhóm khách hàng thuộc ngành sản xuất với giá điện ưu đãi mà xếp vào nhóm khách hàng ngành kinh doanh - giá điện cao. Tôi cho rằng bảo quản rau quả là một công đoạn trong sản xuất và thuộc nhóm ngành nông nghiệp, cần được ưu tiên. Bởi lẽ, kho bảo quản lạnh nông sản theo công nghệ mới giúp kéo dài thời gian sử dụng của nông sản, lưu giữ nông sản, giảm áp lực bán nhanh khi thu hoạch, góp phần hạn chế tình trạng được mùa mất giá hay nông sản phải đổ bỏ khi thu hoạch rộ. Do đó, ngoài việc điều chỉnh giá điện hợp lý thì cần xem xét lại cách phân nhóm khách hàng hợp lý theo định hướng hỗ trợ, khuyến khích các ngành đang cần thu hút đầu tư.
Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS):
Giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp
Từ cuối năm 2022, nhiều DN dệt may đã rơi vào khó khăn do thiếu đơn hàng và giá trị xuất khẩu sụt giảm. Theo dự báo, phải đến quý III/2023 tình hình mới có thể cải thiện. Hiện tại, các DN đang phải giảm lao động thời vụ, bố trí công nhân làm việc luân phiên, dừng một số dây chuyền vì không có đơn hàng.
Điện là chi phí nhiên liệu đầu vào trong sản xuất, sinh hoạt nên giá điện tăng chắc chắn sẽ kéo mọi chi phí khác tăng theo. Trong ngành may, các DN may chủ yếu sử dụng điện để thắp sáng, ủi quần áo… nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu giá điện tăng nhưng với các DN dệt nhuộm, chi phí điện trong cơ cấu giá thành chiếm tỉ lệ khá cao dẫn tới giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của DN. Khả năng giá điện tăng trong thời gian tới chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của DN. Tuy nhiên, DN không đến mức lỗ lã vì "cõng" thêm phần chi phí gia tăng này. Trong ngành dệt may, một số DN lớn đã hợp tác với các đơn vị đầu tư điện mặt trời triển khai điện mặt trời áp mái như một giải pháp giảm chi phí tiền điện và thực hành "xanh hóa" sản xuất.
Ng.Ánh - T.Nhân ghi